Tuesday, February 25, 2014

Bóng ma đầu làng

Làng Yên Bình, tổng Nhơn Lý là một làng nhỏ, được tách ra từ làng Yên Phước do Cai Tổng Trần Hữu Bá chủ trương. Cai Tổng Bá giàu có ức vạn, cả làng làm mướn cho thầy. Hương chức hội tề, một tay thầy cắt đặt, chuyện chọn lựa, bầu bán chỉ là hình thức.


Tuy là làng nhỏ nhưng rất sung túc nhờ Tổng Bá đào kênh, đắp đường, xây dựng đình miếu khang trang. Đúng với tên của nó, làng xóm rất yên bình, trong nhà êm ấm, ngoài đường không kẻ trộm, một phần là nhờ công lao của Hương Quản Lê Anh Hào. Quản Hào là bậc kiệt xuất, gan dạ hơn người, đầy mình võ nghệ, thời trẻ từng một đấm hạ gục con trâu cộ nổi điên. Nghe nói, thầy là dân cướp núi vùng Thất sơn, được Tổng Bá chiêu dụ hoàn lương, cho đất, cất nhà, cưới vợ. Vợ thầy nhỏ hơn tới mười mấy tuổi, nhưng duyên số không tròn. Bọn cướp cũ đến tìm, báo món oán xưa, giết mất người vợ trẻ. Từ đó, thầy coi cướp như thù. Vốn người khoáng đạt, kiêu hùng, nhưng với bọn trộm đạo, thầy ra tay có phần khắc nghiệt. Có lần, làng mất trộm trâu, Thầy nổi giận, cưỡi con trâu chiến, một mình băng đồng, đuổi theo trăm dặm, bắt cả bọn sáu tên trói về trị tội giữa làng, suốt đời tàn phế. Trộm cướp quanh vùng nghe tiếng, chẳng tên nào dám bén mảng
Sự yên bình đó, một hôm chấm dứt. Một cô gái trẻ bị chết treo ở bụi tre đầu làng.
Tổng Bá cho đòi Quản Hào đến dạy việc. Tổng Bá chưa kêu, Quản Hào đã tới.
- Con cái nhà ai?
- Con Thoa, con bà Tám Ít, ở đầu doi.
- Thắt cổ tự tử hả?
- Dạ không, chết rồi mới bị treo lên.
- Tại sao chết?
- Chắc là do uống bậy thuốc phá thai.
- Con nhỏ đó có thai? Chồng nó là ai?
- Dạ, cổ chưa chồng.
- Án này không nhỏ, Thầy phải tra xét đàng hoàng, để tui còn biết đường báo lên chủ Quận.
- Dạ!
- Gần Lễ Kỳ Yên rồi, đừng để đồn đãi rùm beng, cứ nói là phải bệnh nan y, thất tình, tự tử.
- Dạ!
- Có người lạ nào tới làng không?
- Dạ không. Chỉ có Cô Năm “bóng”, coi bói.
Quản Hào bị hỏi thì trả lời, chứ Thầy thừa biết, kẻ lạ mặt nào còn cách cổng làng cả chục cây số, thì người nhà Tổng Bá đã hay rồi.
- Thằng nào dám đem xác chết treo lên, thằng đó không phải tay vừa, Thầy phải hết sức cẩn thận! Có cần thêm người không? Nhà tui còn mấy tay thầy võ đang hưỡn việc.
- Tui có người phụ rồi. Truyện “Bóng ma đầu làng ” được copy từ diễn đàn Lương Sơn Bạc (LuongSonBac.com)
- Ai vậy?
- Dạ, thằng Mun.
- Cái thằng nhỏ xíu đó mà làm được cái gì?
- Nó lanh ý và siêng năng võ nghệ lắm ạ.
- Thầy dạy võ cho nó hả?
- Dạ phải.
- Nó là cháu cô Chín Hường?
- Dạ không. Cô Chín đi cấy mướn làng bên, lượm được nó đem về nuôi.
- Sao Thầy lại nhận một đứa “lai lịch bất minh” như vậy làm đệ tử?
Quản Hào thấy buồn trong bụng, Thầy cũng là một kẻ lai lịch bất minh, sao Tổng Bá tin dùng?
- Thôi được, tùy Thầy, nhưng hư chuyện là Thầy không yên đâu đó!
Không cần Tổng Bá dặn, Quản Hào cũng lo lắm rồi. Tới Lễ Kỳ Yên, tình hình lại càng phức tạp, bao nhiêu con người sẽ đổ về đây, phải gấp lên!
Thầy ghé nhà gọi thằng Mun, thấy nó đang dượt võ sau hè. Nó đang luyện gậy tầm vông.
- Mấy đường quờn ta dạy cho con không đủ dùng sao?
- Dạ con tập xong rồi, còn thì giờ con luyện thêm mấy đường tầm vông, cũng hay lắm Thầy.
- Ai dạy con?
- Dạ anh Hai, con cô Chín.
- Thằng Hai Cang hả? Nó về hồi nào?
- Dạ hồi hôm.
Quản Hào biết Hai Cang tập võ từ nhỏ, với một người thầy dùng tầm vông khét tiếng. Về sau gặp nạn, người thầy biệt tích, lò võ coi như đóng cửa. Hai Cang lúc ấy còn trẻ lắm, nhưng thấm thía việc đời, phẫn chí bỏ lên Sài gòn làm phu khuân vác bến tàu. Mấy tháng Hai Cang mới về làng một lần, cũng chỉ quanh quẩn trong nhà, quét dọn bàn thờ, dạy Mun dăm ba đường gậy. Mun tập tầm vông lâu rồi, trước cả khi thầy dạy quyền cho nó. Thầy ngó lơ vì thấy cũng tốt, nhưng hôm nay sao Mun lại luyện mấy chiêu đòn quá trầm trọng, hiểm ác, đó đâu phải dành cho những bậc chính nhân quân tử? Hai Cang sao lại về đúng hôm rồi? Hắn về làm gì? Đang ở đâu?
- Anh Hai ra đình rồi ạ. Ảnh về lo Lễ Kỳ Yên.
- Đi theo ta.
Biết tánh thầy, Mun chẳng kịp lau mồ hôi, lon ton chạy theo, chẳng dám hỏi câu nào. Hai thầy trò giữ gìn trật tự cả làng, thậm chí cả những làng lân cận khi được yêu cầu, nhưng không khi nào mang theo võ khí, nói đúng hơn, võ khí của họ chính là ở đôi tay.
Quản Hào bước đi thật hùng dũng, gọi Mun theo thật dứt khoát nhưng thiệt ra thầy cũng chẳng biết mình phải đi đâu! Không lẽ, đi gặp Hai Cang? Cô Năm là kẻ lạ mặt, đáng nghi, nhưng “bóng” thì làm sao làm con Thoa có bầu? Mà chắc cũng chẳng có ai mướn “cô” đem xác chết đi treo. Bọn lưu manh, trộm cướp trong làng thì đã bị thầy dọn sạch từ lâu rồi. Nếu không bị thầy nện cho nhừ tử thì cũng tự biết thân, bỏ xứ mà đi. Những người còn lại trong làng đều hiền lành, chân chất, chí thú làm ăn. Hay hung thủ nằm trong số thầy võ, tay chân của Tổng Bá? Cuối cùng, Quản Hào cũng đã có một quyết định – đi coi bói.
- Xời ơi! Ngọn gió nào đưa anh Quản tới chỗ em vậy?
Cô Năm đứng tuổi rồi, nhưng son phấn như hát bội. Bất kỳ ai, “cô” cũng xưng em ngọt xớt, nghe cũng thánh thót, không đến nỗi khào khào như vịt đực. Ngoài coi bói, “cô” còn lên đồng, nói chuyện cõi âm, chuông trống, bóng rỗi cũng xôm tụ lắm.
- Tui muốn coi bói.
- Vậy hả? Sao anh không nói sớm làm em hết hồn, tưởng anh tìm em có chuyện gì. Thấy cái mặt hầm hầm, mà phát ghét! Ngồi đi anh! Ủa? Chú em này là ai vậy anh Quản? Ngồi đi, chú em! – Cô khẽ vuốt má Mun – Xời ơi! Cũng đẹp trai quá há!
Mun tự nhiên thấy lành lạnh trong sống lưng, không dám ngồi, mà đứng cũng nhấp nhỏm như phải ổ kiến lửa.
- Tui muốn coi bói.
- Em biết rồi! Anh muốn coi gì? Tiền tài, sự nghiệp, tình duyên, gia đạo, xủ quẻ, chỉ tay, coi tướng?
- Tui muốn coi quá khứ, vị lai. Mấy bữa rồi, với mấy bữa sắp tới, tui có bị đại hạn gì hôn?
- Vậy anh xủ quẻ nhe? Làm cái gì nhìn người ta dữ vậy? Anh xem quẻ của anh kìa! Ôi! Hào bạn bè anh bị “phạm” rồi, sắp tới người thân của anh nhiều người gặp đại nạn. Anh đừng dính vào những chuyện không liên quan đến mình, nếu không đại nạn càng lớn.
- Nói như cô, tui làm kẻ thất phu còn không xong, nói gì tới làm Hương Quản?
- Đừng có giận em mờ! Em chỉ nói theo quẻ thôi hà!
- Tui chẳng còn người thân nào để gặp nạn.
- Thiệt vậy hả? Tội nghiệp anh hết sức! Vậy anh đang ở một mình hả? Em tới ở chung cho vui nha!
- Còn quá khứ? Mấy bữa trước thì sao?
- Anh cũng gặp chuyện phiền phức, nhưng không sao, chẳng liên quan gì tới anh hết, anh đừng đa sự thì mọi chuyện bằng an.
Đột nhiên, Quản Hào có linh cảm, thứ linh cảm mơ hồ của loài thú hoang trước những điều bất tường sắp xảy đến cho nó. Thầy đứng bật dậy, nhìn Cô Năm trừng trừng
- Tui không muốn Cô là người gây phiền phức cho tui.
Quản Hào vừa quay ra, chợt thấy thấp thoáng ở cổng Đình một dáng người quen thuộc, Hai Cang. Rõ ràng, Hai Cang theo dõi Thầy coi bói. Nhưng hắn theo dõi ai? Thầy hay Cô Năm? Quản Hào lắc lắc đầu cho xương cổ kêu rôm rốp. Cũng có thể Thầy tưởng tượng. Chính Thầy cũng không biết mình mắc bịnh đa nghi như Tào Tháo từ dạo nào.
Thầy đi về phía bụi tre đầu làng, Mun mừng rỡ đi theo. Thầy đi thật chậm, vừa đi vừa quan sát, cố tìm một dấu vết dù nhỏ nhặt nhất theo hướng ngược lại, nghĩa là từ bụi tre đến chỗ cô Năm.
Bụi tre giữa ánh nắng rực rỡ, trông tươi sáng, hiền hòa, không như trong đêm âm u, đe dọa với những tiếng rú rít ma quái. Nghe nói trước đây nhiều năm, đã từng có người phụ nữ chết ở đây, cũng chết rồi mới bị treo lên. Từ đó, người ta đồn đãi bụi tre có ma, thường bắt phụ nữ dấu đi, cho ăn đất, hoặc giết chết. Đêm xuống, dân làng không ai dám đến gần. Nhiều người muốn chặt bỏ, nhưng Tổng Bá không cho. Quản Hào xem xét kỹ lắm rồi, chẳng thấy gì, chứng tỏ tên gây án quả thật không phải tầm thường, không lẽ ma? Truyện “Bóng ma đầu làng ” được copy từ diễn đàn Lương Sơn Bạc (LuongSonBac.com)
Cứ đổ cho ma làm, hay nan y, hay thất tình tự tử, cho qua Lễ Kỳ Yên rồi tính? Quản Hào ngán ngẩm lắm rồi, lại càng ngán hơn khi thấy từ xa dáng đi xiêu vẹo, ngao du của cậu Ba Kim. Mặt trời còn ở trên cao mà cậu đã say khướt rồi, chắc uống từ sáng sớm. Cậu Ba coi như là con trưởng của Tổng Bá, người thứ hai đã chết từ nhỏ. Cậu thông minh, dáng người phong nhã, là thần tượng của biết bao thôn nữ. Một ngày, tự dưng đốc chứng, cậu bỏ học trường Tây trên Sài Gòn, về làng tối ngày đàn đúm, say sưa. Nói công bằng, cậu Ba là người có tài, học văn giỏi, học võ cũng giỏi, hát ngọt lịm, đàn kìm thì cự phách, nhưng cao cường nhất vẫn là tài uống rượu. Cậu có thể uống từ sáng đến tối, uống ly chán chuyển qua uống chén, uống tô, uống té bờ, té bụi, người nhà khiêng về.
- Chào… thầy Quản…Thầy…đang làm nhiệm vụ?
- Chào cậu Ba! Cậu về nghỉ đi!
- Không nghỉ…nhứt định không nghỉ…Tui phải đi…hết con đường của tui.
- Mời cậu đi. Mun, đưa cậu Ba về.
- Khỏi đưa…tui tự đi…Tui phải tự đi cho hết con đường của tui. Thầy Quản ơi! …người chết cũng đã chết rồi…moi tới moi lui chi cho thêm tủi…- Ba Kim thất thểu bỏ đi – Nghĩ cũng buồn…con người sao mà ác độc…
Chiều hôm đó, còn cách mấy bữa nữa mới tới chánh lễ, nhưng nhiều đoàn người đã bắt đầu kéo tới đình làng, trên bộ, dưới nước, kẻ trong bưng, người ngoài vàm, nhóm đông cả chục người, nhóm ít cũng năm, bảy. Gánh hát bội cũng đã tới. Ngoài ra, còn có nhóm Sơn Đông mãi võ, bán thuốc cao, nhóm thầy Chà bán thuốc rê… Quanh đình làng, khắp nơi dựng tạm những mái lá dừng chân, hàng quán chè cháo…. Thầy trò Quản Hào nhìn cảnh đó thêm càng nao núng.
- Ta đến coi bọn mãi võ, con tới chỗ đám hát bội, chú ý mấy đứa kéo màn với thầy võ sân khấu.
Đám mãi võ vừa tới đã khua chiêng, gióng trống um trời, nuốt than, chặt gạch, gồng mình cho chém… Chỉ một loại thuốc nhưng trị được tất cả các loại bịnh trên đời. Tới màn phóng dao, bà con ủng hộ rần rần, cái trò này là không bịp được. Một cô bé đói xanh như lá chuối, đứng dựa tấm ván cũ mèm đã lên nước bóng, từng con, từng con dao được ném tới, con bay cao, con bay thấp, con bay vòng vòng, rồi tới hồi cụp lạc, ném cả nùi, trăm phát như một. Lại thêm một loại thuốc nước, trong uống, ngoài thoa, trị được bá bệnh.
Quản Hào định quay ra đi tìm Mun, nhưng bất chợt một linh cảm thú hoang lại ập đến. Thầy trân trân nhìn người vừa biểu diễn màn phóng dao. Hắn cũng đang nhìn thầy. Đã lâu lắm rồi, thời gian tàn phá, hắn khằn đi rất nhiều, chỉ có đôi mắt, vẫn là ánh mắt ấy, nhẫn nhục, chịu đựng như van cầu.
Năm xưa, bị ác bá cướp đất, nông dân Lê Văn Hổ, tức Quản Hào ngày nay, nổi giận đập chết một tên cặp rằng, bị quan trên tróc nã, phải trốn vào Bảy Núi mượn nghề không vốn làm kế sanh nhai. Thuở ấy, dân tứ xứ cùng đường, tội phạm trọng án trôi dạt về đó làm chốn nương thân, quây quần cùng sống. Địa thế xa xôi, hiểm trở, quan quân không cách gì truy quét được. Ra ngoài, họ là bọn cướp hung hãn. Về núi, họ trở lại là những nông dân khốn khổ, bị xã hội ruồng bỏ. Do bản tánh kiêu hùng, am tường võ nghệ, thầy được một nhóm người tôn xưng, trở thành một trong những chúa đảng Thất Sơn, với uy danh lừng lẫy – Sáu Hổ.
Trong đám, có một tráng đinh, cao to, khỏe mạnh, nhưng lại nhút nhát, không bao giờ tham gia đánh cướp. Hắn chỉ vào rừng bẫy thú, hái rau, về hang nấu nướng cho cả bọn ra ngoài “làm ăn”. Anh em cướp được nhiều, cho cái gì, hắn lấy cái đó. Có hôm thừa mứa, có hôm đói meo, cả đám chỉ trông chờ vào mấy con thú, ngọn rau của hắn. Đêm cũng lạ, hắn rút sâu vô rừng, ngủ một mình, sau những vách đá lớn. Thấy nguy hiểm, anh em có nói, hắn không nghe.
Ở rừng lâu sanh tật, chúng cả gan vào làng bắt gái về làm “áp trại phu nhân”. Đứa bé sanh ra, chẳng biết ai là cha, nhưng chắc chắn không phải là hắn, vậy mà hắn vẫn thương yêu, chăm sóc. Cô gái mấy lần tự vận, một tay hắn khuyên lơn, gượng sống nuôi con. Một hôm, do vết thương chưa lành, Sáu Hổ một mình nằm nhà nghêu ngao vọng cổ. Đứa bé thơ thẩn chơi ở bìa rừng. Đột nhiên, Sáu Hổ nghe tiếng kêu thét kinh hoàng của người mẹ trẻ. Thầy lao ra và thấy một con trăn khổng lồ đang quấn chặt đứa bé. Mặt nó đã đỏ hỏn. Không còn kịp nữa rồi, thầy không tài nào đến kịp nữa rồi. Ngay lúc đó, từ phía sau vụt lên một tia chớp, con dao bay găm chặt đầu trăn vào thân cây. Ngón dao kinh người, cực kỳ dũng mãnh, cực kỳ chính xác. Thầy quay lại ngỡ ngàng nhìn hắn. Hắn cũng nhìn thầy, ánh mắt nhẫn nhục, chịu đựng như van cầu thầy đừng nói lộ hình tích của hắn. Thầy đã không nói, mãi mãi không nói, cho đến tận bây giờ. Và cũng như hôm ấy, hôm nay thầy cũng không nói gì, lặng lẽ bỏ đi. Đúng là Tư Mễn, hắn chứ còn ai!
Vừa mới chen ra, thầy gặp ngay Mun.
- Ở đẳng có gì lạ không?
- Cũng gánh cũ, hát dở òm. Chắc nhờ chủ gánh quen với thầy Hương Ẩm.
- Đứa nào kéo màn? Đứa nào thầy võ?
- Tám Mẹo, Hiên “thọt”. Mấy ảnh lậm thuốc phiện lắm rồi, kéo màn còn không nổi!
- “Thọt” mà làm thầy võ?
- Dạ không, Tám Mẹo. Anh Hiên kéo màn.
- Con ở đây chút, coi phóng dao.
- Có gì đâu mà coi?
- Bộ tới đây lâu rồi hả?
- Thì con đi tìm thầy nãy giờ.
Quản Hào rất tin vào con mắt của Mun. Thầy muốn nó coi phóng dao là để nghe nó nhận xét, những nhận xét sắc sảo, trong sáng, trung thực. Bây giờ nó nói “Có gì đâu mà coi” thì chắc đúng là chẳng có gì để coi. Lối phóng dao đó màu mè quá, cũng chính xác đó, nhưng hoa mỹ có thừa mà kình lực thì không đủ. Nói đơn giản, nó chỉ dùng để biểu diễn chứ không thể giết người. Vậy còn ngón dao năm xưa? Thầy không hề hoa mắt, con dao, con trăn sờ sờ ra đó. Nhưng nếu Tư Mễn là cao thủ thì hai thầy trò cũng phải nhìn ra một chút gì chớ! Hay là Tư Mễn đã luyện đến tuyệt đỉnh của võ học, chơn nhơn bất lộ?
Trong khi Quản Hào điên đầu vì lắm chuyện quá khứ với hiện tại, thì Mun lại hoàn toàn vô tư, đã vậy còn nhấp nhỏm lo ra.
- Làm cái gì vậy Mun?
- Dạ không còn gì làm, thầy cho con đi chút chuyện.
- Hẹn gái hả? Đứa nào vậy?
- Dạ… đâu có…
- Thôi nghen, con Út là con nuôi nhưng cũng là con Cai Tổng. Người ta lá ngọc, cành vàng, đừng có mà với cao.
- Dạ tụi con đâu có gì Thầy, chỉ gặp nói chuyện…
Quản Hào nói là nói vậy nhưng cũng để Mun đi, vì thầy quá hiểu, người anh hùng một khi nhớ gái thì không tài gì ép hắn làm “quốc gia đại sự” được. Hơn nữa, thầy đang muốn đi gặp Hai Cang, có Mun bên cạnh, không tiện.
Hai Cang không có ngoài đình, ở nhà cũng không có. Chỉ có cô Chín đang mệt, nằm nghỉ trên võng. Thấy Quản Hào, cô Chín lồm cồm ngồi dậy.
- Thầy tìm thằng Mun? Nó đi với Thầy mà
Quản Hào đỡ cô nằm lại, rồi ngồi xuống bên cạnh
- Tui tới thăm cô, nghe cô bịnh?
- Già rồi, trời nóng nực, hôm rồi trúng cây mưa sớm, người khó chịu quá!
- Có Hai Cang ở nhà không cô?
- Nó mới về là ra ngoài Đình suốt, dọn lễ ở ngoải.
Vậy là Hai Cang đi đâu, cô Chín cũng không biết.
- Thằng Cang hồi đó học võ với Thầy Hai Bằng phải không cô?
- Ừ! Cũng lâu lắm rồi.
- Thầy Hai Bằng giờ ở đâu cô?
- Ai mà biết được. Thẩy bị vu oan, bị tróc nã, phải bỏ xứ mà đi.
- Nghe nói vợ thầy sau cũng bị chết thảm?
Cô Chín thẫn thờ, nước mắt rưng rưng.
- Cô Tám Như cũng bị chết treo như con Thoa bây giờ vậy. Thầy tìm ra ai giết con Thoa chưa?
Quản Hào khẽ thở dài. Chỉ có một con ma, hay là có loài ma truyền kiếp?
- Vợ chồng họ có một đứa con trai, nó bây giờ ở đâu?
- Thầy Hai trốn đi được mấy tháng thì cô Tám ẳm con lên Sài gòn, người ta đồn là đi gặp Thẩy. Có người gặp cổ ở trển, nói cổ có sanh thêm một đứa con gái nữa. Rồi tự dưng một hôm, người ta thấy cổ… thấy cổ bị treo ngoài bụi tre. Tội nghiệp! Mấy đứa nhỏ chẳng biết lưu lạc về đâu, còn sống hay đã chết?
- Cô lượm được thằng Mun ở đâu vậy?
Cô Chín nhìn Quản Hào e dè.
- Tui đi cấy mướn bên Yên Phước, gặp nó đói run trong chòi vịt, thấy thương quá, đem về nuôi. Thầy hỏi chi vậy?
- Lúc đó nó mấy tuổi?
- Mới chừng mười mấy tháng chứ gì.
- Vậy là nó bị bỏ rơi ở đó?
- Lúc tui gặp nó đói khóc không ra tiếng. Thiệt sao có loài cha mẹ gì mà ác đức!
Câu chuyện này, Quản Hào biết lâu rồi, nhưng hôm nay tự dưng Thầy muốn hỏi lại cô Chín cho chắc bụng. Bấm đốt ngón tay, Thầy thấy rõ, nếu con trai Hai Bằng còn sống thì cũng cỡ Mun bây giờ. Rất có thể vợ chồng họ đã nhờ Hai Cang dưỡng nuôi dùm, nhưng đặt chuyện nói thác ra như thế. Chuyện đã xảy ra nhiều năm, trước khi thầy về làng này sanh sống. Dân làng gặp thầy thường e ngại, giấu diếm không muốn nhắc đến, nhưng Thầy vẫn biết, người có đủ thế lực để giá họa cho Hai Bằng chính là Tổng Bá.
- Tui về cô Chín.
Quản Hào quay ra gặp ngay Hai Cang đứng yên ở cửa, có lẽ hắn đã đứng lặng yên ở đó lâu rồi. Một người có thể lặng lẽ đến sau lưng mà Quản Hào không hay, người đó không thể xem thường.
- Chào thầy Hương Quản.
- Chào chú Hai, mới về hả?
- Dạ, thầy Quản ngồi chơi, uống nước…
- Chú Hai đi đâu, tui kiếm quá trời không gặp?
- Tui ngoài đình chớ đâu…
- Sao tui không thấy cà?
- À! Chắc lúc đó… tui ra sông gánh nước…
Thằng này nói dóc, cái giếng ngay đình sao không gánh? Nhưng thầy biết, có hỏi nữa thì hắn nói dóc nữa, gánh dùm ai đó, vậy hỏi chi cho thất công.
Thầy đi, không ngoái lại, nhưng biết Hai Cang lom lom nhìn theo cho tới khi khuất bóng. Mặc kệ! Thầy đã đạt được mục đích, tằng hắng cho hắn biết đừng có mà làm chuyện bậy bạ ở cái làng này.
Quản Hào đến viếng con Thoa. Trời cũng tối rồi mà đám ma thiệt vắng vẻ, buồn thảm, chỉ có mấy chị em bà con với má con Thoa ngồi khóc ri rỉ ở xó nhà. Mọi người ra Đình xem lễ hay họ sợ tai ương? Vậy mà đám ma đó có vinh dự tiếp đón cả hai cha con Tổng Bá. Lúc Quản Hào đến, cậu Ba Kim say mèm, gục đầu trên bàn nghêu ngao mấy câu vọng cổ, khóc than người vắn số. Tổng Bá thắp mấy cây nhang, cho gia đình ít tiền, rồi lôi cổ cậu Ba về. Tuy không tin lắm, Thầy vẫn khấn con Thoa sống khôn, thác thiêng về phù trợ Thầy tìm cho ra hung thủ. Lúc sớm, thấy xác con Thoa, má nó cứ ngất lên, ngất xuống chẳng hỏi được gì. Bây giờ, nó đã được liệm rồi, má nó cũng bình tâm lại phần nào.
- Con Thoa nó quen biết với cậu Ba Kim hả?
- Có quen đâu, nhưng cậu Ba cứ tới lui hoài. Hồi hôm trước, cậu Ba cũng có tới, kêu nó ra hè nói chuyện. Tối đó, nó khóc miết. Tui gặng hỏi mấy lần, nó cứ giấu giếm. Rồi hôm sau, nó đi biệt. Tới sáng thì người ta thấy nó… thấy nó…. Truyện “Bóng ma đầu làng ” được copy từ diễn đàn Lương Sơn Bạc (LuongSonBac.com)
Quản Hào ra về, lòng nặng trĩu. Làm con Thoa có bầu thì cậu Ba dám, chớ giết người, diệt khẩu thì không đời nào. Cậu Ba trác táng nhưng thuần lương đâu có mà tàn nhẫn dữ vậy! Hay là có một kẻ nào đó, thù sâu như bể, muốn nhà Tổng Bá tuyệt tự, tuyệt tôn? Thầy có cảm giác trong ngôi làng nhỏ bé này, có một lực lượng hùng mạnh, đang ngấm ngầm hoạt động mà mục tiêu chính là nhà Tổng Bá
Sáng sớm, Quản Hào bị dựng dậy vì có người phát hiện Cặp rằng Hưng dưới con mương ngoài xẻo. Thằng Hưng bị đâm chết bằng một con dao ngắn, ngay giữa tim, đâm từ phía trước. Xác nó nằm sấp, nửa chìm, nửa nổi. Cặp rằng Hưng là tay chân đắc lực của Tổng Bá, võ nghệ thuộc loại có hạng, vậy mà bị đâm chết bởi một con dao ngắn, một nhát duy nhất. Giết xong còn lạnh lùng vứt xác xuống mương, chứng tỏ tên hung thủ xem thằng Hưng không hơn một con chó. Mọi khi trong làng có biến, lúc nào Thầy cũng thấy máu nóng dâng trào, hùng hổ xốc tới, nhưng hôm nay Thầy lại hết sức bình tịnh vì Thầy biết, sắp đến phải đối phó với một tuyệt đỉnh cao thủ, lạnh lùng, tàn bạo. Kẻ đó là ai?
- Mun, đem con dao này tới nhà Cai Tổng.
- Chi Thầy?
- Thẩy sẽ cho người tra xét ai thường dùng loại dao này. Thẩy sẽ biết, ai là chủ nhơn của nó.
- Còn Thầy đi đâu?
- Cái thằng này lạ! Bữa nay sao vậy? Có đi liền hay không?
Mun hoảng sợ, co cẳng chạy biến. Thầy cũng đi luôn, việc gấp lắm rồi. Thầy biết, ở làng này hiện có một người đủ bản lãnh để giết thằng Hưng dễ dàng như vậy, mà không cần phải đâm.
Sân đình xơ xác, đầy rác rưởi, không náo nhiệt, rực rỡ như trong đêm. Tư Mễn đang xắc rau cho bữa cháo sáng. Quản Hào chăm chăm nhìn con dao, chăm chăm nhìn bàn tay cầm con dao đó, đôi tay ấy còn có thể làm được những gì? Một người luyện dao từ nhỏ, ắt phải trân trọng dao, xem như là sinh mệnh, đâu thể đem xắc hành, xắc tỏi.
- Ngoài phóng dao ra, chú còn dùng được loại võ khí nào?
- Tui chỉ biết phóng dao, Thầy nghĩ dùm coi, tui còn dùng được cái gì nữa?
- Dùng gậy.
Chỉ hai chữ nhưng lại như tiếng sấm nổ, ngân dài trong người Tư Mễn. Ánh mắt vẫn cúi thấp, tóc vẫn lòa xòa, nhưng giọng nói Tư Mễn đã khác hẳn
- Phải, gậy tầm vông, một đầu vạt thiệt nhọn.
Quản Hào rất muốn biết cây gậy đó đang ở đâu, nhưng Thầy không hỏi, một cảm giác lành lạnh chạy khắp châu thân, cái cảm giác khi gặp phải đại địch. Một con người, nhẫn nhục suốt mười mấy năm dài thì con người đó có thể làm được bất cứ chuyện gì…
- Chú về đây báo thù chính Tổng Bá, chớ không hề làm hại người khác?
- Phải.
Quản Hào bỏ đi. Không hiểu sao, chỉ một câu nói, câu nói có một chữ, mà thầy tin ngay. Quản Hào tin tưởng Tư Mễn như tin một bậc tri kỷ. Truyện “Bóng ma đầu làng ” được copy từ diễn đàn Lương Sơn Bạc (LuongSonBac.com)
Mun hộc tốc chạy tới, thở hổn hển.
- Đưa con dao cho thầy Cai Tổng chưa?
- Dạ, rồi – Mun gật gật, vẫn còn thở
- Làm cái gì mà chạy gấp dữ vậy?
- Dạ, con sợ thầy gặp phải địch thủ.
- Ở cái làng này, ai xứng đáng là đối thủ của ta?
Mun không nói gì nhưng ánh mắt có vẻ nghi ngại. Cái thằng này hôm nay nó làm sao ấy, dám nghi ngờ cả thầy, hay nó nghi thầy xé lẻ, làm chuyện mờ ám, giấu diếm cả với nó? Quản Hào bực lắm, nhưng chưa có cớ gì để chửi.
- Thầy Cai Tổng biết con dao của ai không?
- Dạ, biết.
- Của ai?
- Của nhà thẩy.
- Cái gì?
Loại dao đó ở nhà Tổng Bá nhiều lắm. Đầu tiên, chỉ có một con gia truyền, dùng cho cận chiến hoặc tự sát để giữ tiết tháo, về sau thấy tiện dụng, Tổng Bá theo mẫu cho đánh ra nhiều con, phát cho bọn thầy võ trong nhà.
- Thôi, chuyện này để Cai Tổng lo, mình xía vào chỉ thêm lụy.
- Giết người là phạm vào phép nước, đâu phải chuyện riêng của nhà Cai Tổng.
- Thì thầy Cai Tổng cũng làm theo phép nước, chớ bây giờ con muốn sao?
- Con phải tra xét cho ra kẻ nào giết người.
- Thằng này khá! Muốn bắt giặc, phải biết võ, ta còn một chiêu cuối cùng muốn dạy cho con.
Nghe tới võ là mắt thằng Mun sáng rỡ. Nó chuyên cần luyện tập. Lẽ ra Quản Hào không dạy cho Mun. Thầy đã từng tâm nguyện sống để bụng, chết mang theo, vì chiêu này quá tàn độc, hung hiểm, tàn độc với đối phương mà cả với chính mình, không giết được đối phương thì chính mình sẽ chết! Hôm nay, thầy dạy cho nó, một phần vì không muốn nó đi dò xét chuyện nhà Tổng Bá nhưng chủ yếu là do trong tiềm thức, thầy có linh cảm thằng Mun sắp gặp phải những giây phút sinh tử quan đầu.
Không cho Mun làm, nhưng ngay đêm đó, chính Quản Hào đi tra xét nhà Tổng Bá. Nhà Tổng Bá rộng lớn, nguy nga, canh phòng nghiêm mật, những ngày gần đây lại càng nghiêm mật hơn. Quản Hào biết Hai Bằng đã trở về thì chắc Tổng Bá cũng phải biết. Thầy đi vòng vòng quanh nhà, nơi này Thầy quen thuộc từng bụi cây, ngọn cỏ, nơi nào dễ rình rập, quan sát. Thầy đi tới chỗ dễ rình rập, quan sát nhứt và thấy ngay một bóng người đang rình rập. Thầy lặng lẽ đến gần, khẽ ho một tiếng. Bóng người quay phắt lại, xông thẳng tới. Thầy tung ra một cú đấm nhưng hắn mặc kệ cứ giáng đòn vào màng tang Thầy. Quản Hào muốn bắt gian, không muốn liều mạng. Thầy xoay người chụp lấy tay hắn, tiếng xương kêu nghe răng rắc. Như một con lươn, hắn trơn lùi vuột khỏi tay thầy, phóng người ra xa, dáng hơi khập khiểng nhưng thần tốc phi thường. Quản Hào lau mồ hôi trán, có mấy chiêu mà mệt quá. Đúng là Thầy không ngờ gặp phải một cường địch cỡ đó, nếu chân hắn không bị thương từ trước thì không biết kết quả thế nào!
Mun còn đang dượt võ dưới trăng, bị thầy gọi giật, hớt hãi chạy theo. Chưa bao giờ Quản Hào cần trợ thủ như lúc này. Thầy không thể khinh địch.
Vãn hát đã lâu, cháo đêm cũng đã ăn rồi, cả gánh hát đang lục tục chuẩn bị đi ngủ thì Quản Hào xông vào. Mun đứng ngoài cảnh giới, không cho ai chạy. Thầy đi thẳng đến chỗ tên nằm hút thuốc phiện.
- Mày là Tám Mẹo?
- Dạ phải – Hắn lồm cồm ngồi dậy.
- Mày là thầy võ của gánh hát?
- Dạ phải.
Quản Hào bất ngờ đấm thẳng vào giữa mũi Tám Mẹo. Hắn đưa tay gạt, nhanh nhẹn, khéo léo nhưng hời hợt như phủi bụi thì làm sao ngăn cản được cú đấm thôi sơn? Thầy dừng tay giữa chừng, bật cười ha hả, vỗ vai Tám Mẹo trong khi hắn còn đang ngẩn ra kinh hoàng
- Giỡn chút chơi! Chú em, đừng sợ!
Hiên “thọt” nghe tiếng chạy ra, muốn tới chỗ Tám Mẹo nhưng ba bước, vấp hết bốn cái. Quản Hào đến dìu Hiên.
- Tay chú em bị thương hả? Nhà tui có món thuốc gia truyền, nắn xương, bổ gân tốt lắm. Chú đi theo tui!
Quản Hào ân cần nhưng cứng rắn, Hiên không cách nào vùng vẫy được. Thầy lôi hắn tuốt ra ngoài đồng hoang. Mun áy náy:
- Thầy! Anh Hiên đâu có tội gì !
- Thằng Hiên kéo màn thì không có, nhưng thằng Hiên ăn trộm thì có đó. Hóa ra, mày mới thiệt là thầy võ của gánh hát. Mày dạy cho Tám Mẹo mấy chiêu mèo quào để nó làm cái hình nộm cho mày, đúng không?
Hiên im lặng. Thầy ném Hiên vào gốc cây, đưa tay bóp cổ, thiếu điều muốn le lưỡi nhưng Hiên vẫn im lặng.
- Mày rình rập nhà Tổng Bá làm gì? Nói!
Thầy thụi vào bụng dưới khiến Hiên gập người lại như con tôm. Vẫn im lặng.
- Thầy ơi! Tội nghiệp anh Hiên!
- Mày gan lì lắm. Để tao coi mày lì tới cỡ nào?
Thầy chầm chậm bóp vào bàn tay trặc xương của Hiên. Hắn cắn răng, xanh lè, người run bần bật. Mun gào thét can gián, thầy không nghe. Mun bỏ chạy đi, thầy cũng không màng. Lúc này, Quản Hào như con cọp điên say máu đang thực thi quyền lực của núi rừng.
- Tao bẻ lọi luôn cái giò còn lại để coi mày có nói không?
Thầy luôn tay đấm đá vào những chỗ hiểm ác nhưng kình lực vừa đủ, để Hiên không ngất đi, để Hiên tỉnh táo cảm nhận từng cơn đau của thể xác.
- Thầy Quản! Xin Thầy dừng tay!
Tiếng nói tuy nhỏ nhẹ, ôn tồn nhưng đối với Quản Hào lại tràn đầy uy lực. Thầy buông phịch thằng Hiên xuống đất, tả tơi như cái mền rách. Tư Mễn đứng đó, tà áo phất phơ, không còn vẻ phờ phạc, tủi cực nữa, mà uy nghi như thần ở trên trời. Thằng Mun lấp ló phía sau. Đột nhiên, cả hai người quỳ mọp xuống.
- Cha con tui xin thầy tha mạng cho Hiên.
Quản Hào bật cười ha hả:
- Chỉ có cách này mới khiến chú ra mặt được.
Thầy đỡ Hiên dậy, bóp vào bàn tay bị thương làm hắn đau tái người, nhưng không phải hành hạ mà là nắn sửa. Thầy tiếp tục xoa bóp khắp người hắn.
- Ê ẩm chút đỉnh thôi, không có bịnh hậu đâu mà sợ.
Tư Mễn ngơ ngác.
- Té ra thầy biết hết rồi hả?
- Biết chút chút, không biết hết đâu! Tui mới phải bày trò này cho chú hết chối. Chú tưởng tui cần thằng lỏi Mun này tiếp tay hả? Còn lâu! Dù có là hang cọp, tui cũng một mình mò vô.
Quản Hào hứng chí lắm. Ai khen thầy vũ dũng, thầy không màng. Ai khen thầy thông minh, thầy thích lắm. Thầy đang tự thấy mình quá sức thông minh. Mọi người chầm chậm đi về. Hiên thì Mun phải cõng, nó đi hết nổi.
Hiên “thọt” tên thật là Lưu Bửu, con nhà buôn biển, phải bọn “Rồng Vàng” cướp sạch, giết cả gia đình. Lúc đó Hiên còn bé, chỉ bị đánh què chân, thả bè giữa biển, may nhờ được dị nhân cứu giúp, truyền cho tuyệt nghệ đổi mạng, bỏ chân mình lấy mắt đối phương. Tuy tật nguyền nhưng thân mang tuyệt kỷ, Hiên giả dạng theo đoàn hát bội chu du khắp xứ truy tìm tung tích Kim Long.
Đảng Kim Long trong thời gian dài, tung hoành khắp vùng biển Hà Tiên, chuyên cướp tàu buôn Hải Nam, Chà Và…. Đứng đầu tổ chức là cặp bài trùng Rồng Vàng, Rắn Trắng. Nạn nhân thường bị giết sạch, chúng có thuật dịch dung, lúc già, lúc trẻ, lúc nào cũng bịt mặt nên ngay cả bộ hạ thân tín cũng không biết được mặt thật của chúng. Lúc hành sự, để phân biệt, chúng phải mặc áo hoặc quấn dải băng khác màu, người màu vàng, kẻ màu trắng nên có biệt danh là Kim Long, Bạch Xà. Bạch Xà chính là tên đại đạo Lý Long Niên, dân đánh cá nòi, có biệt tài ném chài, quăng dây, luyện được phép đánh roi nhanh, mạnh, chuẩn và đặc biệt ngụy dị, chuyên đánh vào chỗ hiểm ác, bất ngờ nhất, một ngọn roi độc. Tên Kim Long lại càng thần bí hơn, chẳng ai biết gì về hắn, kể cả cái tên. Hắn có biệt tài tổ chức. Tất cả những trận lớn, nhỏ, mọi việc đều một tay hắn cắt đặt, sắp xếp, đúng người, đúng việc, chính xác từng thời khắc. Hắn ít khi trực tiếp ra tay, chỉ những lúc đặc biệt hung hiểm, hắn mới xuất hiện, thân thủ phi phàm, uy mãnh như thần long.
Lúc võ sư Nguyễn Trọng Bằng bị kết tội là Kim Long với những tang chứng cụ thể, án lớn làm chấn động khắp cõi. Về sau, biết được chính là do Tổng Bá giá họa, Hiên nổi dạ nghi ngờ, tìm gặp Hai Cang gặng hỏi cho cặn kẽ. Tuy tán gia bại sản, nhưng còn được cặp ngọc phỉ thúy, bán đến ngàn vàng, Hiên thuê người khắp nơi dò la cho ra gốc tích.
Trần Hữu Bá là con trai độc nhứt của một điền chủ bị phá sản, nợ nần đến phải tự vẫn. Hữu Bá hận đời, bỏ đi Phù Tang, vừa ăn học, vừa kiếm sống. Một thời gian dài, Hữu Bá đột ngột trở lại, giàu có hơn người, vừa mua lại, vừa chiếm đoạt tất cả đất đai của những người từng hại cha hắn. Hữu Bá lập trại, mở đường, khai khẩn khắp nơi, công cuộc làm ăn ngày một cường thịnh, thế lực ngày một lớn mạnh, lên làm Cai Tổng. Tiền của ở đâu ra? Một nô bộc cũ, từng theo hắn cướp phá, một lần tỉnh ngộ, khuyên can dừng tay. Hắn giả vờ ưng thuận rồi lừa giết, bỏ ngoài hoang đảo. Nhưng ông không chết, tìm đường về đến đất liền, sống chui nhủi, lúc nào cũng nơm nớp, lo âu, đêm thấy toàn là ác mộng. Hiên “thọt” được tin tìm đến, gài kế thi ơn, mãi đến lúc lâm chung ông mới chịu trăn trối lại, Kim Long chính là Hữu Bá. Do cùng tâm ý, cùng kẻ thù chung, Hiên “thọt” và Hai Cang kết làm huynh đệ, góp tay hành động.
- Suốt từng ấy năm, sao chú không quay về báo thù?
- Tui sợ. Tui không biết Bạch Xà là ai? Đang ở đâu? Tổng Bá trở về sống đời lương thiện, còn dễ truy tìm. Bạch Xà, mai danh, ẩn tánh, hành tung vô định, khó mà biết được. Hắn có thể ngấm ngầm hỗ trợ Tổng Bá, lúc cần thiết sẽ bất ngờ xuất hiện. Đã vậy… đã vậy…
- Chú muốn nói còn có tui chớ gì?
- Tổng Bá cứ vu án thì Thầy phải đi bắt gian. Tui tự lượng sức, chưa phải là đối thủ.
- Vậy sao bây giờ, chú quay lại?
- Hiên được tin Bạch Xà và Tổng Bá hiềm khích. Chính Bạch Xà đã giết con Thoa…
- Chuyện người lớn, sao đi hại tụi nhỏ?
- Thầy nói vậy là sao?
- Chuyện giữa Bạch Xà và Tổng Bá, chớ đâu phải với Ba Kim, sao Bạch Xà đi giết con của nó? – Thấy Tư Mễn ngẩn ra, Quản Hào cũng bợ ngợ – Không phải con Thoa có bầu với Ba Kim à?
- Không, con Thoa có bầu với Tổng Bá.
- Hả?
- Hắn đã giết con Thoa cũng như đã từng giết vợ tui.
- Sao hắn làm như vậy?
- Hắn “ghen”
Quản Hào như chìm trong đám sương mù. Đại đạo Lý Long Niên là đàn bà?
- Hắn là một tên lại cái. Hắn yêu Kim Long hơn cả bản thân mình. Hắn có thể chết cho Kim Long nhưng không bằng lòng để cho Kim Long phản bội. Thiệt không hiểu nổi mối quan hệ của hai tên đó.
- Có gì khó hiểu đâu! Cả hai tên phải kết hợp với nhau thì đảng Kim Long mới hùng mạnh, bá chủ một phương. Mà giữa trời biển bao la, mênh mông hoang đảo thì biết làm tình với cái gì?
- Người vợ lớn và con đầu lòng của Tổng Bá cũng do chính Bạch Xà giết, trong một cơn điên loạn. Ba Kim thoát chết nhờ lúc đó Tổng Bá gửi đi nơi khác. Tổng Bá đã bắt hắn thề độc, không được động tới Ba Kim. Hắn ưng thuận với điều kiện, Tổng Bá không được lấy vợ nữa.
- Tổng Bá vi phạm lời thề, nên hắn ra tay?
- Hắn hành hạ nạn nhân bằng thuốc phá thai cho đến chết, trục cả thai nhi ra ngoài, rồi mới treo xác nạn nhân lên. Sợi dây là ám hiệu báo cho Tổng Bá biết, chính hắn là thủ phạm.
Quản Hào mấy lần muốn hỏi, nhưng ngần ngại, cô Tám Như, vợ Tư Mễn cũng đã từng có bầu với Tổng Bá?
- Còn tui, chú tính đối phó với tui như thế nào?
- Tui biết thầy đã lâu. Nội chuyện thầy dấu nhẹm hình tích của tui với bọn cướp núi, tui đã biết thầy là người tốt, nên tui biểu Hai Cang tìm mọi cách cho thằng Mun theo thầy học võ. Nó thông minh, lanh lợi, thế nào thầy cũng nhận.
- Ai chà! Vậy là tui bị chú gài rồi hả?
- Nó vừa biết thêm võ, vừa biết được nội tình của Tổng Bá.
- Hay! Nhìn chú lụi xụi vậy mà cao kiến.
- Việc buộc phải làm, mong thầy đại xá.
- Hèn gì, trước giờ thằng Mun nó thân thiết với tui lắm, mấy bữa nay tự dưng nó giữ kẽ…
- Thằng Mun từ khi biết chuyện, nó sợ thầy đã chịu nhiều ơn nghĩa của Tổng Bá, không thể khoanh tay đứng nhìn. Còn tui, biết thầy là người nghĩa khí, mà giấu thầy hoài cũng đâu được, tui cứ tình thiệt nói hết ra, tùy thầy liệu định.
Nghe nhắc đến ơn nghĩa của Tổng Bá, Quản Hào ngồi thừ ra. Lúc xưa, Tổng Bá đích thân vào tận Bảy Núi, chắc là để tìm Hai Bằng, nhưng không bắt được, lại gặp Sáu Hổ. Thấy là bậc hào kiệt nên Tổng Bá mới bỏ tiền chiêu dụ về đây, để đối phó với Hai Bằng quay lại tầm thù, chớ cái làng nhỏ xíu này cần gì tới một người như thầy làm Hương Quản! Tổng Bá xây dựng Yên Bình chắc cũng không ngoài mục đích phòng thủ, xem nó như sân nhà của mình, mà Quản Hào chính là con chó giữ cửa. Thầy biết vậy, nhưng nếu lòng trung thành cũng không có thì làm chó cũng không xứng đáng, thiệt là khó nghĩ quá! Hễ khó nghĩ là Quản Hào lại ngứa chưn, ngứa tay.
- Mun! Ra biểu! – Thầy bước ra mảnh sân đất nện trước nhà – Đánh ta bằng đòn ta dạy lúc sáng. Nó tên là “Cọp già cùng đường”.
Mun ngần ngừ.
- Đánh ! – Quản Hào thét lên.
Mun lao tới, ra tay, Thầy túm gọn, vật xuống đất cái rầm.
- Xoàng quá! Ta không nương tay là con chết rồi! Đánh lại! Cũng còn xoàng lắm! Đánh lại nữa! Khá hơn rồi đó!
Mun khắp người đau ê ẩm, Quản Hào lại bắt đầu tấn công, ra toàn sát chiêu. Gom hết sở học, Mun kiên cường chống trả. Quản Hào càng đánh, càng nhanh, càng khốc liệt, dồn Mun vào tận gốc tường. Mắt Mun long lên, gân cốt chuyển động, chuẩn bị xuất “Lão Hổ cùng đường”. Quản Hào vừa thấy, đột ngột dừng tay.
- Hay lắm! Vậy là con đã hiểu được cái thần của chiêu thức. Chỉ khi nào lâm vào hiểm cảnh mới được dùng. Nhớ chưa?
Quản Hào cởi khăn quấn đầu lau mồ hôi, rủ cái phạch, vắt vai, về nhà, đi ngủ. Tư Mễn xem chiêu, hiểu lòng Quản Hào, cảm kích vô cùng, cứ ngồi ngơ ngẩn, trầm ngâm.
Đêm đó, Quản Hào không ngủ được. Trời vừa hửng sáng, thầy đã đi tìm Tư Mễn.
- Ủa? Thằng Hiên đâu rồi?
- Nó đi rồi. Vừa hết đau là nó đi liền. Có người tới gánh hát tìm nó.
- Tui còn mấy chuyện muốn hỏi chú.
- Thầy cứ hỏi.
Quản Hào biết Tư Mễn bỏ tầm vông, luyện dao bay để che dấu hành tung, dao thì dấu gọn được trong người, để có thể từ xa bất ngờ tập kích. Nhưng Tư Mễn luyện dao từ lúc nào?
- Hồi ở Bảy Núi. Tui vô rừng ngủ một mình là để luyện nó.
- Lúc đó luyện thành chưa?
- Chưa. Gần đây mới tạm được.
- Tui dốt thiệt, chẳng nhìn ra gì cả!
- Khi giết trăn ở Bảy Núi, dao còn hung hãn lắm, vì lúc đó lòng tui đầy uất hận. Hôm Thầy xem tui ném dao ngoài bãi, thấy nó tầm thường vậy, nhưng lòng tui đã rỗng không. Tâm hư vô thì dao cũng hư vô.
- Nói về “đạo” trong võ học, tui thua chú xa.
- Tâm Thầy vốn sáng, nên luyện quyền vẫn đạt tới mức chơn thuần. Tâm tui chưa định, nên dao cũng không định được.
- Còn tầm vông, chú đã từng luyện tới mức “định” chưa?
- Tâm bất định thì dùng loại võ khí nào cũng bất định. Tầm vông là võ học của tổ tiên, là binh khí chống giặc, giữ nước, tui không dám lạm bàn.
- Chú dạy gậy cho Hai Cang, để Hai Cang về dạy cho thằng Mun?
- Phải! Nó mang họ Nguyễn Trọng, không thể để thất truyền.
- Mười mấy năm trời, chú không nhìn thằng Mun là để nó yên tâm học võ?
- Học võ để báo thù thì không bao giờ đạt tới cảnh giới tuyệt đỉnh.
- Còn con gái chú đâu?
- Tui không có con gái – Tư Mễn cay đắng
- Vậy cô Tám có con gái với ai?
- Với Tổng Bá, nhưng nói thác là do gặp tui ở trên Sài Gòn, Thầy cũng biết, lúc đó, tui còn ở Thất Sơn. Không phải Tổng Bá sợ người đời dị nghị, mà là sợ Bạch Xà biết được.
- Đàn bà nhẹ dạ! Chắc lúc đó cô Tám tưởng Tổng Bá tốt bụng, giúp đỡ chăm sóc hai mẹ con cô nên sanh lòng cảm phục.
- Cũng phải thôi! Tui chỉ là tên võ biền, thô lỗ. Còn Tổng Bá giàu có, văn võ kiêm toàn.
- Sao chú nói vậy. Cô Tám chỉ bị Tổng Bá lừa gạt thôi! Truyện “Bóng ma đầu làng ” được copy từ diễn đàn Lương Sơn Bạc (LuongSonBac.com)
- Nếu chỉ bị lừa gạt, sao có thêm đứa nữa?
- Ai nói chú?
- Bạch Xà không giết người vô cớ!
- Nếu cũng là do bị bức bách thì sao?
- Tui cũng mong là như vậy. Nhưng tại sao, khi biết gặp nguy hiểm, con vợ tui giao thằng Mun cho Hai Cang, lại không có viên “Lệ ngọc”?
- Viên ngọc nào?
- Nhà tui có viên hồng ngọc gia truyền hình giọt nước. Trước khi đi xa, tui đưa cho vợ tui, dặn đeo cho thằng con, để sau này lưu lạc bốn phương, tui còn biết mà nhận mặt.
- Thì có sao? Cổ giao thằng Mun cho Hai Cang là yên tâm quá rồi! Chắc cổ làm mất hay lúc đó gấp quá nên quên.
- Có chuyện đó mà cũng quên sao? – Tư Mễn buồn phiền – Hay là nó để dành cho ai khác?
Quản Hào lặng ngắt, sợ càng nói, càng làm Tư Mễn đau lòng.
- Nếu vợ tui đã thiệt tình thương Tổng Bá, thì tui còn báo thù để làm gì?
- Chú phải giết thằng Bạch Xà chớ! Nó giết cô Tám tàn nhẫn quá mà!
- Chuyện đó để Tổng Bá làm. Chắc tui dắt thằng Mun đi xứ khác làm ăn. Nhưng trước khi đi, tui cũng phải biết vợ tui đã đưa viên ngọc cho ai?
Quản Hào muốn nhắc việc Tổng Bá hại đời Hai Bằng, phải báo mối thù đó, mới đúng với lẽ trời, nhưng chuyện này thì thầy giống như gà mắc tóc.
- Ngày mai “Rước thần”, Tổng Bá đến dự, lúc đó mấy chú ra tay là dễ dàng nhứt.
- Tụi tui cũng có tính tới chuyện đó. Tổng Bá thế nào cũng dẫn theo không ít bọn thầy võ, không dễ dàng đâu!
- Thằng Hiên sẽ giả bộ phá rối để chú tiện bề dùng dao bay tấn công Tổng Bá. Hai Cang trong đám “lính áp hầu” sẽ ra tay nếu Bạch Xà bỗng dưng xuất hiện. Nhưng chú nên nhớ, tui không cho phép ai phá rối lễ hội của làng
- Thằng Mun sẽ có cách cản tay Thầy trong chốc lát, vậy là đủ, không lẽ Thầy giết nó?
- Mấy chú không chạy thoát đâu!
- Thằng Hiên sẽ chận đường, nó có chạy cũng không kịp.
- Nó chịu chết thay cho cả đám?
- Trận này chính là do nó nghĩ ra.
- Mấy chú còn quên một chuyện, có thể Tổng Bá sẽ ra tay trước.
Tám Mẹo thập thò ngoài cửa, thấy Quản Hào ngồi đó, nó biến liền. Tư Mễn gọi giật lại.
- Kiếm ai vậy Tám?
- Dạ, con kiếm chú.
- Vô đi! Đừng ngại!
Có Quản Hào ở đó, Tám Mẹo dứt khoát không vô, Tư Mễn phải bước ra. Tám Mẹo to nhỏ một lúc rồi chạy vụt đi. Tư Mễn quay vào, vẻ mặt lo âu.
- Có người bắn tin cho thằng Hiên biết về tung tích của Bạch Xà, nó hẹn Hai Cang ra vạt rừng thưa gấp. Hai Cang được tin, đi rồi, nó nhờ Tám Mẹo báo cho tui biết.
Quản Hào nghe, trong bụng mừng rơn, vậy là có chuyện để làm rồi, chớ ngồi một chỗ suy nghĩ hoài, nhức đầu quá!
Mặc cho người lớn bàn soạn, thù hằn, chém giết, thằng Mun đã lẻn đi từ lâu. Nó đi tìm cô Út.
- Dữ ác hôn! Tới bây giờ mới chịu đi tìm người ta.
- Tui mắc công chuyện.
- Công chuyện gì? Cứ đi vòng vòng trong xóm mà cũng nói là công chuyện hả?
Mun không biết trả lời sao. Thiệt ra thì cô Út cũng hiểu, chỉ muốn chọc Mun thôi.
- Kiếm tui có chuyện gì? Nói đi!
- Chắc tui…sắp phải…đi xa…
- Cái gì? Đi đâu? Anh đừng có xí gạt tui à nhe!
- Tui nói thiệt mà! Chắc tui… không sống được ở làng này nữa…
- Sao vậy? Ai đuổi anh? Hay là…hay là…anh muốn bỏ tui rồi anh kiếm chuyện
- Đâu có…đâu có…
- Anh ở đây sung sướng thấy mồ. Có Thầy Quản, có…ba tui. Vậy mà anh đòi đi. Anh thương con nhỏ nào rồi phải không? Tui tự vận liền cho anh coi!
- Đừng…đừng có làm vậy…Hay là…hay là…tui dẫn cô theo.
- Í! Hổng được đâu! Ba tui đánh chết. Cô Chín phải tới nói chuyện với ba tui, rồi… anh đi đâu…tui đi đó.
Việc này thì Mun biết còn khó hơn lên trời. Nhìn cô Út giận dỗi, má đỏ hây hây, ruột gan Mun như có ai vò, ai xé.
Vất vả lắm Tám Mẹo mới tìm được Mun. Nó đứng xa xa, ngoắc Mun lia lịa. Cô Út thấy Tám liếng thoắng một hồi, Mun vừa nghe vừa như phải lửa.
- Cô Út ! Tui đi nghen!
Mun nhìn cô một cái, rồi chạy đi. Cái nhìn đó làm cô phát hoảng, cái nhìn thiết tha như một lời vĩnh quyết. Cô tất tả đuổi theo, nhưng Mun đã biệt dạng. Cô chạy cùng làng, khắp xóm, như một kẻ lạc loài, ngay chính làng quê mình.
Quản Hào và Tư Mễn vừa đến vạt rừng thưa là đã thấy Hiên. Nó chết thê thảm quá, thân thể rách bươm. Nó bị siết chết, vết hằn còn in trên cổ. Hiên đã bỏ mạng để đổi lấy được gì? Quản Hào chầm chậm quan sát từng vết thương, ở đâu cũng có vết thương, dường như hung thủ muốn hành hạ nạn nhân trước khi giết chết. Họ đều biết, trên đời này, chỉ có một người sử được đường roi đó, đường roi độc của vùng biển Hà Tiên, Bạch Xà Lý Long Niên. Truyện “Bóng ma đầu làng ” được copy từ diễn đàn Lương Sơn Bạc (LuongSonBac.com)
Không chừng chính Bạch Xà đã phát hiện ra Hiên “thọt”, nên cố tình lộ diện, dẫn dụ nó đến nơi hoang vắng này để tiện bề hạ thủ. Đối với kẻ tật nguyền mà hắn còn ra tay tàn độc như vậy! Quản Hào cảm nghe một cơn giận dữ âm ỷ nhưng mãnh liệt đang bùng phát trong lòng. Tư Mễn chợt nhớ:
- Chết rồi! Hai Cang!
Cang với Hiên là huynh đệ, sinh tử chi giao, thằng Hiên chết thì Hai Cang thế nào? Cả hai vội vã lùng sục, lần theo từng vạt cỏ, vết máu. Dấu vết mỗi lúc một nhiều, lá tươi bứt rơi đầy đất, vết roi, vết gậy, và máu, máu vương vãi khắp nơi, chứng tỏ cuộc giao đấu kéo dài, tàn khốc, một cuộc khổ chiến. Hai Cang quả không thẹn là đệ tử chân truyền của võ sư Nguyễn Trọng Bằng
Cuối cùng, họ cũng tìm được. Cây gậy tầm vông đã gãy lìa. Phần nhọn cắm ngập trên thân cây, nơi đó còn vương lại một vạt áo đẫm máu. Phần còn lại rơi dưới đất, khuất trong vệ cỏ. Hai Cang cũng nằm ở đó, khắp người cũng đầy vết roi, nhưng đa phần mờ nhạt, như chỉ khẽ chạm vào. Đối với Hai Cang, Bạch Xà không thể và cũng không cần đánh trúng nhiều roi nhẹ nhàng như thế. Cao thủ tử chiến chỉ cần một đòn quyết định là đã quá đủ. Quản Hào không hiểu nhưng Tư Mễn hiểu. Hai Cang tự biết mình sẽ thất thủ, chỉ cố kéo dài cuộc chiến, cố nhận nhiều vết thương, để từ đó Tư Mễn có thể hiểu được cách đánh roi của Bạch Xà. Nhìn xác Hai Cang, Tư Mễn lòng như muối xát.
Quản Hào quay phắt lại nhìn thấy Mun đang đứng đó, như ngây như dại. Thằng nhỏ tinh khôn hơn chồn, cáo, tự mình cũng tìm được tới đây. Thầy sợ nó còn trẻ sẽ làm điều dại dột
- Mun…con…
Quản Hào ngừng câu nói giữa chừng vì nhận ra mắt Mun ráo hoảnh, hơi thở vẫn nhẹ đều, giọng nói có hơi rung nhưng vẫn bình tĩnh lạ thường
- Bạch Xà đã giết anh Hai?
Quản Hào lặng lẽ gật đầu. Mun chầm chậm quay đi. Tư Mễn gọi giật lại
- Mun! Con đi đâu?
- Con không dám nhìn anh Hai thêm nữa!
Mun lầm lũi đi, được một quãng xa thì nó bắt đầu khóc, nước mắt lăn dài trên má, rớt xuống áo. Nó cứ để mặc cho gió khô đi. Khi biết chuyện cha mẹ, nó cũng đau khổ lắm, nỗi đau nhân thế. Nhưng dù sao thì đó cũng là người mẹ nó không còn nhớ mặt, chưa được nhiều chăm sóc, thương yêu. Hai Cang thì khác, đã từng mua kẹo cho nó ăn, làm diều cho nó thả, lôi nó ra sông tập bơi, tập lội, dạy cho nó từng đòn gậy, thế chân. Hai Cang là thầy, là anh, là cha nó. Nó không còn chịu đựng được nữa rồi!
Đúng luật bù trừ, ngoài Đình càng náo nhiệt thì trong xóm càng vắng vẻ. Khi Quản Hào và Tư Mễn về tới đầu làng thì trời đã tối, thôn xóm quạnh hiu.
- Tới nhà Tổng Bá luôn chớ! – Quản Hào đề nghị
- Còn thằng Bạch Xà?
- Cứ đánh thốc tới, Bạch Xà phải chường mặt. Chuyện chú, chú làm. Thằng Bạch Xà, để tui lo cho.
Tư Mễn hiểu Quản Hào không thể ra mặt đối đầu với Tổng Bá. Thầy nhận đánh Bạch Xà là giúp cho Tư Mễn nhiều lắm rồi. Nhưng không phải chỉ có vậy, mà còn vì Quản Hào căm hận loài ác độc.
- Có thể Tổng Bá đã biết tui là ai.
- Có thể.
- Có thể hắn đã bố trí mai phục, chờ tui tới.
- Có thể lắm.
- Vậy Thầy tính sao?
- Cứ đến nhà Tổng Bá.
Thâm tâm, Tư Mễn cũng muốn vậy. Bên ngoài, ông sẽ đường đường, chính chính ra tay. Bên trong, Quản Hào bất ngờ kềm chế. Được vậy thì mọi chuyện sẽ dễ dàng hơn. Nhưng kế hoạch đó hèn hạ quá, không xứng với một người như Quản Hào, nên Tư Mễn không muốn nói ra. Tiếc rằng, họ không còn thời gian để suy tính nữa. Từ xa, cô Út đang hớt hãi chạy đến.
- Thầy ơi! Chú ơi! Cứu dùm anh Mun con!
- Sao? Nó làm sao?
- Anh đang tới nhà con.
- Hồi nào? Tới làm sao?
- Anh lạ lắm… xách theo cây tầm vông.
Cả hai cùng kinh hoàng.
- Đi! Mau!
Nhưng Quản Hào và Tư Mễn đều không ngờ có người dám chặn đường họ. Bất ngờ hơn, kẻ đó là cô Năm “bóng”
Dưới ánh trăng gầy guộc, cô Năm đứng như một bóng ma, gương mặt son phấn vô cảm, lạnh lùng, quỷ dị. Khuất trong những tàng cây bên đường, ba tên thầy võ cũng lặng yên đứng đó, đầy đe dọa. Thiệt ra, chúng lặng yên vì không hiểu sao, hôm nay chúng phải đánh với Thầy Quản và tên phóng dao hèn mọn, bán thuốc ăn tiền.
- Gặp được Bạch Xà, thằng Quản này thiệt là có phước.
- Mời thầy tránh sang một bên.
- Sao lại phải tránh?
- Thầy tính chống lại Cai Tổng?
- Ta làm Hương Quản, thấy kẻ gian phải bắt.
- Kẻ gian đang đứng cạnh Thầy.
- Ta thấy hắn không gian. Kẻ gian là ngươi.
- Nếu Thầy Cai Tổng không cho là vậy thì sao?
- Ta bắt lầm, tha lầm, xin chịu tội theo lệ làng, phép nước.
- Ta đã từng cảnh cáo ngươi, đừng xía vào chuyện của người khác.
- Ta dốt nát, không hiểu được ý nghĩa cao thâm.
Tất cả đều hiểu, cuộc chiến tất phải nổ ra. Họ nói chuyện, khích bác nhau chẳng qua để dùng thời gian đó dò xét lẫn nhau. Không cần làm hiệu, Quản Hào và Tư Mễn tâm ý tương thông, thực hiện theo sự phân công từ trước. Quản Hào đối phó với Bạch Xà. Tư Mễn lo phần còn lại, nhẹ nhàng hơn, thu dọn ba tên thầy võ. Nhìn phương vị, cô Năm cũng hiểu được điều đó. Đối phó cùng lúc hai đại cao thủ, không phải chuyện đơn giản. Cô đang tìm điểm yếu nhất, bất ngờ nhất để xuất thủ, buộc đối phương phải để lộ sơ hở, và theo những gì đã luyện tập cùng nhau, ba tên thầy võ sẽ đồng loạt đánh vào chỗ sơ hở đó.
Cô Năm vút bổng lên, từ trong người vụt ra một vạch đen dài uốn lượn, cả người hắn cũng uốn lượn. Người và võ khí như hợp làm một, tạo nên cái tinh kỳ, hoàn hảo của ngọn roi vùng biển Hà Tiên. Uyển chuyển, nhưng kình lực vô biên, cái quỷ dị, tàn độc đó rít lên phóng đến cô Út đang sững sờ, chết lặng.
Quản Hào thấy rất rõ, nhưng lại đứng quá xa, trong khoảnh khắc Thầy giận mình sao chỉ luyện có đôi tay. Chống lại võ khí dài, nhu nhuyễn cần phải có một loại võ khí cực ngắn, cực kỳ cương mãnh. Ngay lúc đó, lóe lên một tia chớp, con dao bay trúng ngay điểm cách đầu roi hai tấc, lôi cả ngọn roi cắm phập vào thân cây bên đường. Nhưng dao quá mạnh, quá sắc bén, cộng với sức giật lại hốt hoảng của cô Năm, đầu roi đứt lìa. Roi ngắn đi, hung hãn càng tăng, nó lại được vũ lộng vun vút đến người Quản Hào, nhưng đã muộn. Trong chớp mắt bóng roi chững lại đó, Thầy đã vào sát người cô Năm, tung ra một cú đấm móc, cú đấm chết trâu. Mọi người nghe rõ từng tiếng xương vỡ vụn. Cả người cô Năm đổ vật ra sau trong tiếng trầm đục của sự chung cuộc.
Không cần nhìn kết quả, Quản Hào vội quay lại. Một khúc côn, một đoạn xích và một lưỡi mác đã ập đến Tư Mễn. Kẻ dùng dao bay có thể đối phó với cô Năm, đích thị là kẻ chúng cần tiêu diệt.
Tư Mễn đã dồn tất cả tinh lực trong con dao đầu ngăn chặn cô Năm, nên con dao thứ hai đã giảm nhiều uy lực, nhưng vẫn đủ hủy diệt đoạn xích. Con dao thứ ba không phát xuất kịp nữa, chỉ với bàn tay trái, Tư Mễn bẻ gãy ngọn côn. Còn thanh mác, chẳng có gì ngăn trở, đã âm thầm cắm sâu vào lồng ngực.
Quản Hào lao đến chỉ còn kịp đỡ lấy một thân người đẫm máu, máu ngầu bọt, tuôn trào.
- Tại sao? Tại sao không ném dao vô cổ nó?
Chỉ cần Tư Mễn ném dao thật nhanh, thật chính xác vào cổ họng cô Năm thì vẫn ngăn được đường roi, để Quản Hào rãnh rang đối phó với ba tên thầy võ, thì cơ sự đâu đến nỗi này.
- Roi…nhanh quá… sợ…không kịp…
Tư Mễn rất hiểu tâm trạng của Quản Hào lúc này, nên ánh mắt ông thật thanh thản, dịu dàng như muốn an ủi Thầy
- Dao tui…không thể…giết người…
Vẫn giữ nguyên ánh mắt đó, Tư Mễn lặng lẽ ra đi. Không cần Tư Mễn nói, không cần Tư Mễn nhìn, Quản Hào cũng hiểu, hiểu nhiều hơn như vậy nhiều. Thầy muốn nói với Tư Mễn một lời, nhưng không nói được. Có ai ngờ, một con người như Quản Hào lại có lúc, muốn khóc, khóc không thành tiếng, muốn nói, nói chẳng nên lời.
Thầy thành kính lạy xác Tư Mễn bốn lạy, rồi đứng dậy, giật tung mảnh khăn quấn đầu, để mặc tóc bồng trong gió. Thầy ngửa mặt, gầm lên một tiếng vang vọng khắp đêm dài, tiếng gầm của loài dã thú, tiếng gầm của Sáu Hổ ngày nào trên đỉnh Thất Sơn.
Cô Út như choàng tỉnh, tất tả chạy đi. Cô vừa chạy vừa ngã,trong đêm tối chập chùng. Cô chạy như một con điên vì cô biết giờ này thằng Mun chắc chắn đã đến nhà Tổng Bá.
Mun đang ở nhà Tổng Bá. Nó đang nhìn Tổng Bá, không căm thù, giận dữ, cũng chẳng bi thương, đau khổ, chỉ đơn thuần một ánh mắt lạnh lùng, vô cảm, cái ánh mắt của một người đã trải qua quá nhiều nổi thống khổ, cái ánh mắt chỉ nên có ở những người già hơn nó nhiều lần.
Tổng Bá không nhìn Mun, mà đang nhìn ngọn tầm vông trong tay nó, một đầu được vạt thiệt nhọn, ánh mắt mệt mỏi, già nua, như một lão cọp không còn nanh vuốt, nhưng vẫn thừa uy nghi, dũng liệt.
Cậu Ba say mèm, gục đầu ngủ vùi, thỉnh thoảng lại ú ớ, lảm nhảm những gì không ai nghe rõ. Những tên thầy võ đứng bao quanh như tượng gỗ, hình như chúng cũng ngừng thở. Ngoài tiếng nổ lép bép của những ngọn đuốc trên tường, tiếng lảm nhảm của Cậu Ba, không gian hoàn toàn cô đặc, tĩnh lặng.
- Má tui đâu?
- Chết rồi.
- Tại sao chết?
- Bịnh nan y
Mun vẫn chậm rãi hỏi
- Cô Thoa đâu?
Tổng Bá bây giờ mới rời ánh mắt khỏi ngọn tầm vông để nhìn Mun, chòm râu đã bạc khẽ lay động
- Chết rồi.
- Tại sao chết?
- Bịnh nan y
- Ông đã sai Bạch Xà giết Hai Cang?
- Lâu rồi, chẳng còn rồng rắn, hắn làm việc hắn muốn làm
- Ông còn gì để nói nữa không?
- Không.
Ai cũng biết Mun đến nhà Tổng Bá để làm gì, nhưng mãi đến giờ nó vẫn chưa ra tay, không phải vì sợ hay còn do dự mà vì nó đang chờ cơ hội. Tuy dáng vẻ Tổng Bá như một lão già vô dụng, nhưng thế ngồi của lão không hề sơ hở. Nếu lúc trước có thể nó đã nông nổi, liều mạng, nhưng bây giờ nó hiểu cái giây phút sinh tử này không thể sai lầm, dù là sai lầm nhỏ nhặt nhất. Nó không sợ chết, nhưng nó muốn dù nó có chết thì cha nó cũng được sống an vui, mẹ nó, Hai Cang của nó, chết cũng ngậm cười.
Ngoài ngõ có tiếng xôn xao, ba tên thầy võ, máu me bê bết, dắt díu nhau chạy vào. Trên người một tên vẫn còn ló ra cán của một con dao bay, hắn lả người, trượt dài, hai tên còn lại muốn đỡ lấy nhưng kiệt sức cũng ngã bệt dưới đất. Trước không khí bức người trong gian đại sảnh, chúng không dám hô hoán, rên la.
Tổng Bá như không trông thấy chúng, vẫn nhìn như đóng vào người Mun:
- “Cô” Năm chết rồi?
Chúng ngẩn ra, nhưng vội gật đầu:
- Dạ, dạ, phải…
Chúng đâu hiểu, Tổng Bá thừa biết chỉ khi cô Năm đã chết thì bọn chúng mới thảm hại thế này.
- Tư Mễn cũng đã chết?
Bọn chúng lại càng ngạc nhiên. Ngọn tầm vông trong tay Mun khẽ rung động. Đồng tử Tổng Bá thu hẹp lại, lão toan ra tay, nhưng rồi lão thấy không còn cần thiết. Với tâm tình như thế, thằng Mun không còn là đối thủ nguy hiểm nữa. Thoáng trên môi lão một nhếch cười khinh bạc.
- Nếu Tư Mễn còn sống thì làm sao lũ vô dụng bọn bây còn về được tới đây. Nhưng tại sao tụi bây còn phải chạy?
- Dạ còn Thầy Hương Quản…
- Hắn đâu?
Ngay lúc đó, vang lên một tiếng động long trời, đôi cánh cổng lớn ngoài rào, dường như đổ ập xuống.
Tổng Bá thoáng đảo mắt ngoài ngõ, và đó là thời cơ của Mun. Ngọn tầm vông vụt tới cực nhanh, không tiếng. Tổng Bá phát hiện thì đã muộn, chỉ kịp khẽ nghiêng mình. Tiếng vạt nhọn đâm vào xương thịt, lạnh người, máu đẫm một bên vạt áo, tay trái Tổng Bá đã vĩnh viễn tàn phế. Bọn thầy võ gầm lên đồng loạt ập đến. Chẳng có gì ngăn cản nổi ngọn tầm vông tuyệt đỉnh, danh chấn trời Nam. Máu tuôn đẫm sàn nhà, vương vãi khắp vách tường, rường cột. Tổng Bá định thần, vung gậy tiếp chiến. Tiếng va chạm giòn giã, liên hồi. Vỏ gậy ba toong vỡ tan dần để lộ ra một thanh nhuyễn kiếm. Tay trái bất động, vướng víu, nhưng Tổng Bá vẫn thi triển kiếm mỏng như con rắn thép, quằn quặt khắp không gian. Mun bất kể, dồn tất cả sức mạnh, nỗi đau thương đâm xốc ngọn tầm vông vào giữa ngực Tổng Bá. Gậy dài, kiếm ngắn. Đòn đâm xả thân, cực mạnh, cực hiểm làm Tổng Bá không còn tránh vào đâu được. Trong phút chốc, lão quên sạch danh vọng, cơ nghiệp một đời tạo dựng, hùng khí Kim Long vụt dậy, lão không đành lòng bại dưới gậy một kẻ oắt con. Tổng Bá vươn tới, lấy bụng đón gậy, khi gập người, kiếm cũng sẽ đến cổ đối phương. Có thể lão chết trước, nhưng chắc chắn cả hai sẽ cùng chết. Truyện “Bóng ma đầu làng ” được copy từ diễn đàn Lương Sơn Bạc (LuongSonBac.com)
Ngay lúc đó, vụt ra một bàn tay chụp lấy đầu gậy, một đoản đao chặt vào thân gậy. Kình lực răng rắc làm cả ba cùng gãy đoạn, chỉ còn thanh kiếm mỏng nguyên vẹn. Mun ngã xuống, khẽ vật vã rồi bất động.
Tổng Bá không nhìn Mun, lão biết quá rõ kết quả đường kiếm của mình. Lão đang nhìn cậu Ba, một cánh tay gãy lìa, ngồi bệt bên một con dao gãy.
- Mày đã giết thằng cặp rằng Hưng?
Cậu Ba im lặng, cả người tái nhợt.
- Tao cấm mày thương con Út vì nó là em của mày. Vậy mà mày giả say, giả dại chống đối tao. Mày trả hiếu như vậy đó hả?
- Con không muốn cha… gieo thêm nhiều oan nghiệt
- Mày lui tới con Thoa giả làm ơn, làm nghĩa mục đích là cho Bạch Xà chú ý, nó mới biết mà tìm tới. Mày không muốn có thêm người tranh giành thừa hưởng cái gia sản này. Thằng Hưng biết chuyện, nên mày mới giết nó!
- Con học theo cha thôi. Hồi đó, lúc cô Tám vỡ lẽ, muốn tố cáo cha, thì chính cha đã bí mật để lộ tin, mượn tay Bạch Xà, giết người diệt khẩu.
- Mày im đi!
Cô Út chạy vào, rú lên một tiếng, lao đến Mun, thảng thốt
- Anh Mun…anh Mun…
- Nó chưa chết đâu !
- Sao cha biết? Ảnh như vầy…
- Ta biết đã đâm nó như thế nào! Ta chưa muốn nó chết ngay đâu.
Cô Út lết đến bên chân Tổng Bá.
- Cha ơi, cha đừng giết anh Mun
- Con có thấy nó muốn giết ta không?
- Con với ảnh sẽ đi thật xa, không bao giờ quay lại nữa. Cha ơi! cha đừng giết anh Mun!
- Con có biết, con càng xin như vậy, ta lại càng muốn giết nó.
Mun đã lặng lẽ bật dậy, lao đến Tổng Bá, đôi trảo vươn dài, uy mãnh của một “Lão Hổ cùng đường”. Tuyệt chiêu trí mệnh, không thể thu hồi. Cậu Ba nhìn rõ, bất lực. Tổng Bá chẳng buồn phản ứng, đứng yên chờ đợi
- Anh Mun…đừng…
Cô Út vụt đứng lên, chắn trước Tổng Bá. Mun kinh hoàng, thu tay, chuyển hướng, nhưng dư lực đã xé toang vạt áo trước, bức cô Út ngã bật vào lòng Tổng Bá, ngất lịm.
Giữa đôi gò trắng tinh, trinh bạch, lồ lộ một viên hồng ngọc như giọt nước mắt bằng máu đang thổn thức, rưng rưng.
Mun sững sờ, mê muội, lãnh ngay một cú đá vào ngực văng bổng ra ngoài, lăn dài xuống bậc tam cấp.
Quản Hào đá văng hai tên gác cổng xuống mương, vác đôi sư tử đá đập tan cánh cổng lớn. Bọn tráng đinh tuôn ra dày đặc. Thầy bẻ gãy hàng loạt gậy gộc, giáo mác, xách đầu từng cặp đập vào nhau, vặn lọi tay, chặc trặc cổ. Thầy xông vào chúng như hùm beo xông giữa đàn gà. Vượt dần qua sân rộng, thầy tiến đến cửa chính. Bọn võ nghệ ngăn chặn quyết liệt. Tuy sức khỏe hơn người nhưng thầy cũng thấm mệt, khắp mình thương tích. Vừa lúc, thầy nhìn thấy Mun bật dậy, lao vào Tổng Bá. Thầy hiểu quá rõ, đòn sát thương tuyệt vọng đó. Gom tàn lực hét vang một tiếng, hất tung bọn thầy võ, Quản Hào lao người qua cửa sổ, song cửa tan tành, nhưng đã muộn. Khi Mun bị đá văng ra ngoài, thầy vẫn còn sững sờ đứng đó. Mặc cho bọn thầy võ vây quanh, lăm lăm hung khí, thầy đứng đó uy nghi như tượng thần trong cổ miếu, trừng trừng nhìn Tổng Bá, trừng trừng nhìn viên hồng ngọc lung linh. Tổng Bá cánh tay duy nhất còn lại đã buông rơi thanh kiếm, đang hối hả, vụng về che chắn cho con gái mình. Trông Tổng Bá bây giờ, đích thực là một lão già bất lực, đang ngập tràn đau khổ.
Quản Hào quay ra, cõng Mun chạy đi. Đuốc sáng rực trời. Mõ tre dậy đất. Thầy bỏ đường làng, chạy vào ruộng tắt. Dẫu thừa biết chẳng ai dám đuổi kịp, nhưng Quản Hào vẫn chạy như một thằng ăn cướp chỉ vì Thầy muốn đưa thằng Mun đi thật nhanh, thật xa, khỏi cái làng đó

Tác giả: Khô Trúc

Share

& Comment

0 nhận xét:

Post a Comment

 

Copyright © 2015 BLOG FOR YOU 24H™ is a registered trademark.

Designed by Templateism. Hosted on Blogger Platform.