Tuesday, February 3, 2015

Tô canh bù ngót - Huỳnh Trung Chánh

Suốt ngày phải quay cuồng "bù đầu nhức óc" với việc nhà việc sở, vừa có

chút rỗi rảnh thì máy truyền hình lại thu hút hết hồn vía, thành thử Đông
chẳng còn chút thời giờ để sống riêng cho chính mình, huống hồ có thể nhàn
nhã tưởng nhớ đến thân nhân bè bạn. Mãi đến khi phải ngồi bó gối hàng giờ
trên chiếc phi cơ hành khách, không lăng xăng gì được, Đông mới mặc tình
thả hồn trôi thật xa, về với chuỗi ngày ấu thơ êm ấm, tại căn nhà ngói ba gian,
mặt tiền hướng ra rạch Cái Sơn, thuộc xã Hòa An, Cao Lãnh. Đông là con trai
duy nhất, lại là út, nên được cả nhà chiều chuộng nâng niu. Các chị là gái thì
lúc nào cũng phải giữ gìn ý tứ, đi đứng đoan trang, và chia xẻ công việc nhà
với mẹ, chớ đâu có buông lung nhong nhong suốt ngày phá làng phá xóm, khi
thì phóng xuống sông quậy bùn đụt ngầu, lúc lại thượng lên cây mận, cây vú
sữa, ngồi vắt vẻo vừa ăn, vừa lơ đãng ngắm trời xanh. Cùn chân cùn cẳng,
chán chuyện phá phách ngoài đường thì về nhà chọc ghẹo ba bà chị cũng thú
vị. Chọc ghẹo quá trớn "giỏi lắm" bị mắng "thằng quỉ"
, thằng "mắc dịch" là tột
cùng, còn như muốn trừng phạt thì "sức mấy" ba chị rượt kịp thằng nhỏ. Thật
ra, chuyện chọc ghẹo bị đòn tuy hiếm hoi, nhưng đi đêm có ngày gặp ma,
Đông cũng lâm nạn một lần khiến cái đầu lãnh cục u tròn như trái chanh. Giờ
đây, bỗng nhiên nhớ lại chuyện xưa tích cũ nầy, Đông cảm thấy vui quá đổi là
vui. Chàng tủm tỉm cười, lầm thầm: "Ông bà già mình lẫm rẫm vậy mà hay
ghê! Phát họa kế hoạch sản xuất bốn năm, rồi đúng theo tiêu chuẩn mà thi
hành y chang, mới tài tình chớ!". Tuy là một nông dân chân chính, nhưng tài
nghệ đặt kế hoạch sản xuất của ông già, được "hậu thế nhắc nhở" phải kể là
chuyện sản xuất con. Bà già cứ tà tà sanh con năm một, ông già lại theo bốn
mùa mà đặt tên con là Xuân, Hạ, Thu, Đông. Hết tên đặt thì bà chấm dứt cái
rụp, chớ không tòn ten kèm theo thằng Ráng, thằng Thêm, con Thôi, con Nữa
như người khác. Ông già rất hãnh diện về cái mục nầy, nên chỉ chờ đợi nhà
có khách khứa thì gọi đám con ra, kể tên từng đứa để khoe khoang thành
tích, vô tình khiến chị Ba tức tối đến điên người. Cũng giống như bất cứ cô
gái mỹ miều nào, chị Ba thích trang điểm, làm dáng và dĩ nhiên rất mong
được khoác một cái tên thơ mộng thanh tao. Điều éo le, là người đẹp hoa mỹ
lại bị gán cho cái tên Hạ, lè tè thấp thỏi, thì sao chẳng đau lòng. Chẳng cần ai
chỉ dẫn, vừa lên trung học, chị bèn lẵng lặng khai tử tên Hạ, sửa khai sanh
bằng cách bôi dấu nặng thêm dấu huyền thành chữ Hà, đồng thời, lúc trò
chuyện với bạn bè lúc nào, cũng xưng tên "Kim Hà thế nầy, Kim Hà thế kia"
rất ư là điệu hạnh. Thế nhưng trường trung học quận Cao Lãnh chẳng lớn,
bạn bè năm trước có đứa cũng lên học chung, thành thử cái tên cúng cơm
"con ba Hạ" không thể dấu diếm ai được. Cái tên Hạ nhờm gớm, khó chịu
dính cứng với chị Ba, giống như cục đàm kẹt cứng nơi cổ, khạc nhổ không
xong, mà nuốt cũng chẳng trôi. Bực bội quá, có lần chị Ba lên tiếng càm ràm:
­ Ba à! miền Nam mình đâu có đủ bốn mùa. Ba đặt tên tụi con là Xuân Hạ
Thu Đông, thiệt chẳng hợp tí nào!
Đông vọt miệng:
­ Đúng rồi! miền Nam mình chỉ có hai mùa là mùa nắng và mùa mưa. Vậy nếu
Ba đặt tên đúng theo thời tiết, thì có lẽ chị hai mang tên "Phơi Nắng", còn tên
chị là "Mắc Mưa" mới phải! Chị Ba! Chị nghĩ sao chớ theo em thì cái tên ba
Hạ "bảnh tên" hơn cái tên ba Mắc Mưa nhiều lắm chị à!
Chị ba háy thằng em một cái bén ngót rồi lên tiếng: "Xí! ai bàn chuyện với
mầy mà bày đặt ăn cơm hớt!", đoạn chị tiếp tục phân bua với ba:
­ Con nghĩ chữ Việt có rất nhiều bộ bốn chữ hay ho như tứ quí, tứ đức, tứ
phương...sao ba không chọn, nhè chọn bốn mùa chi, nghe chẳng thanh chút
nào!
Tánh nào tật nấy, Đông lại nhanh nhẩu xía vào:
­ Coi bộ đặt tên chị em mình theo bốn phương Đông Tây Nam Bắc hấp dẫn
thiệt tình a! Chà! Trường hợp nầy chị sẽ mang mỹ danh là Tây, gọi đầy đủ là
cô Ba Tây mới đúng! Chị ơi! ba Tây hay má Tây gì cũng đâu có đẹp hơn cái
tên ba Hạ, chị Ba!
Thằng nhỏ ba hoa chích chòe không ngờ lời chọc ghẹo "ba Tây má Tây" lại
khiến ông già nổi giận thình lình, ông cốc trên đầu thằng bé một cú đau điếng,
rồi gằng giọng mắng:
­ Thằng ăn nói bá láp! Cái miệng ăn mắm ăn muối độc địa nói tầm bậy rủi...
có gì... thì sao?
Lời nói quàng xiên của Đông chắc đã phát ra đúng giờ linh, nên giờ nầy thì
chị hai Phơi Nắng lại sinh sống tại vùng nắng cháy sa mạc Arizona, còn chị
ba Mắc Mưa thì mặc tình dầm mưa tại vùng bão lụt Mississipi. Nhưng chuyện
"linh ứng" thật sự đã xảy ra chỉ vài năm sau đó tại Việt Nam, liên quan đến
học, thoát khỏi bàn tay kềm kẹp của cha mẹ, chị Ba liền có ngay một nếp
sống tình cảm khá tự do. Chị giao du rộng, có nhiều bạn trai, mà ai thì chị
cũng đẩy đưa tình tứ, khuyến khích họ đeo đuổi. Với chị thì càng có nhiều
người cạnh tranh trồng cây si thì càng có giá trị, nó thú vị như một thứ trò
chơi, chớ chị đâu hề toan tính chuyện hôn nhân mà phải ra điều đứng đắn.
Ông bà biết tính bay bướm của con gái, ngày đêm thấp thỏm lo âu, chẳng
biết "hũ mắm nêm" hiểm nghèo nổ tung lúc nào. Ông bà chỉ biết khuyên lơn
năn nỉ con gái dứt khoát "ưng" một chàng nào cho xong, nhưng cô nàng cứ
"phớt tỉnh Ăng Lê", và cứ nhởn nhơ đùa giỡn. Một hôm chị Ba đột ngột mang
hộp bánh trung thu về làm quà thăm cha mẹ. Sau buổi cơm chiều, chọn lúc
cha mẹ đang nhâm nhi trà bánh vui vẻ, chị mới thỏ thẻ:
­ Ba má à! vâng lời ba má, con đã dứt khoát chọn được người chồng tương
lai cho con rồi!
Bà già đang ngồi ghế mừng quá nhỏm dậy hỏi một hơi:
­ Thiệt vậy hả con! Thẳng (1) đến nhà mình lần nào chưa? Nó làm nghề gì?
Mặt mày nó lịch sự không con?
Ông già cũng ôn tồn:
­ Tánh tình nó ra sao? Học hành tới cỡ nào vậy con?
­ Ơ! ảnh làm Cố vấn tại Bộ Xây Dựng Nông Thôn, cùng một cơ quan với con,
ảnh cao ráo trắng trẻo đẹp trai lắm má ạ! Ơ! tánh ảnh hiền hậu dễ thương...
làm sao á! ảnh đã tốt nghiệp đại học ở Hoa Kỳ đó ba!
­ Tốt lắm! Thành phần du học thì sự nghiệp đương nhiên vững chãi, không có
gì phải lo nữa! Còn gia đình nó như thế nào vậy con?
­ Ơ!... ơ! cha mẹ ảnh không có ở đây ba à!
­ Ủa! Như vậy té ra nó di cư vào Nam một mình à! điều đó cũng được đi,
nhưng ít nhất thì nó cũng phải tìm ra chú bác cô dì hay anh chị để đứng làmchủ hôn chớ!
­ Ơ...ơ! ảnh "mình ên" ở xứ nầy, ... ảnh là người... Hoa Kỳ ba à!
Ông bà già sống quanh quẩn tại xứ Đồng Tháp quê mùa, đầu óc thủ cựu, nên
có một quan niệm rất hẹp hòi về việc kết hôn với người nước ngoài. "Cực
chẳng đã, mới gả con cho chệc"(2), gả con cho người Trung Hoa, cùng màu
da, sống cung đụng trong nước lâu đời mà còn bị khe khắc cho là chuyện cực
chẳng đã, huống chi gả con cho người da trắng, để bị mỉa mai là con gái làm
"me Mỹ, me Tây". Do đó, vừa nghe thỉnh cầu "động trời" của chị Ba, ông già
đỏ mặt tía tai, nổi giận bừng bừng, còn bà già thì tái xanh như gà bị cắt tiết,
khuỵu xuống ghế thở chẳng ra hơi.
­ Mầy nói cái gì? Cho mầy lấy Mỹ đặng người ta cười thúi đầu tao hả?, ông
già hét lên, rồi đứng lên thở hồng hộc chừng mười phút cho dịu cơn nóng
giận, mới tiếp lời:
­ Nó là người ngoại quốc làm sao tao biết gốc gác, biết cha mẹ họ hành nó!
Rồi không mai mối, không ai đứng chủ hôn đàng trai thì tao gả bán với ai
đây? Tao nhứt định không là không? Thà chết chớ tao không gả con cho Tây
cho Mỹ nghe chưa?
­ Con à! sao con dại quá vậy! con ưng thằng Việt Nam nào ba má cũng chiều
ý con, chớ người Mỹ họ khác với người mình quá mà! gia đình lễ giáo đâu có
ai lấy chồng ngoại quốc, a con!, bà già lên tiếng vỗ về.
Chị ba im lặng để mặc cho cha mẹ giảng "mo ran" đã đời, rồi mới lừng khừng
nói:
­ Con hiểu ba má chẳng ưa gì người Mỹ, nhưng con đã lỡ dại..., con đã có
bầu với người ta rồi! Con biết phải làm sao bây giờ?
Ông bà đang ào ào giảng dạy con, bỗng nín khe không thốt thêm được một
lời nào nữa. Bà nhìn ông, ông nhìn bà chua xót não nề. Phai lâu hàng giờ,
ông già mới thở phào ra như quả bóng xì hơi, xuôi xị lên tiếng:­ Thôi được! Con muốn chọn ai thì chọn!
Thế rồi, ông bà cấp tốc lên Saigon tổ chức một đám cưới giản dị cho cô con
gái, đoạn quày quả về quê, gặm nhấm nỗi buồn khổ khôn nguôi. Chị ba thì
đâu cần đám cưới rình rang, cũng không có nhu cầu nở mặt nở mày với bà
con xóm giềng. Chị lấy được người chồng chị thương, chị được xuất ngoại
như mơ ước, và nhất là được hợp pháp "xổ toẹt" cái tên cúng cơm, để mang
tên họ hoàn toàn Mỹ: bà Sue Johnson, thì chị đã hả dạ tột cùng rồi. Bà già
nghe chuyện con gái đổi tên họ lắc đầu thở than: "Tưởng nó lựa chọn tên gì
sang trọng, chớ tên Xu, tên Cắc thì hay hơn tên Hạ ở điểm nao?"
Năm 1975, khi gia đình Đông được đưa về tạm trú tại trại Fort Smith, chị Sue
có đến thăm. Lần đó, Đông nhận thấy chị có vẻ xa cách, chị hà tiện từng lời
nói, thường hay khinh khỉnh "à há, á à" thay câu đối đáp, nên Đông ngần ngại
không đề cập đến chuyện nhờ vả chị lập hồ sơ bảo lãnh. Đông là người rất
nặng tình gia đình, nên khi nếp sống tị nạn tạm ổn định, từ Houston chàng lần
mò tìm đường viếng thăm chị Sue tại Jackson, Mississipi. Lần nầy, ngược lại
chị Sue nói năng thật nhiều. Chị hãnh diện về kiểu cách sống rặc ròng Mỹ, chị
khoe chồng con, khoe tài sản, sau cùng chị dành rất nhiều thời giờ để cười
chê cái đám người Việt tị nạn quê mùa ngớ ngẩn để than phiền rằng sự hiện
diện của họ ở xứ sở văn minh nầy chỉ làm tăng thêm phần lộn xộn, khiến chị
mất mặt với bè bạn Hoa Kỳ mà thôi. Đông háo hức viếng chị hi vọng tìm lại
những giây phút đậm đà tình ruột thịt ngày xưa, nhưng chị Sue đã vĩnh viễn
cắt đứt quá khứ, đề tài mới mẻ về đời sống Mỹ của chị lại chẳng hấp dẫn
chàng tí nào. Đông ngao ngán ra về, và từ đó, mối liên lạc chị em thưa dần.
Người chị giàu tình cảm, có nếp sống giản dị, phù hợp với Đông nhất có lẽ là
chị tư Thu. Chị không lập gia đình, ở lại Việt Nam chăm sóc cha mẹ cho đến
ngày ông bà mãn phần thì đi xuất gia. Từ đó, viết thơ thăm hỏi phải hạn chế,
ngôn từ sử dụng phải dè dặt để tránh khuấy động nếp sống thanh tịnh của kẻtu hành. Bây giờ, dẫu Đông về nước thăm chị, thì hoàn cảnh kẻ tu người tục,
Đông cũng khó tìm lại khối tình ruột thịt thắm thiết ngày xưa được. Do đó, bao
nhiêu tình cảm gia đình, Đông dành hết cho người chị thứ hai ngụ tại Tucson,
Arizona. Mặc dù vị trí thành phố nầy nằm trẹo đường, Đông phải đổi chuyến
bay cực nhọc, nhưng mỗi khi có dịp đi Cali, chàng luôn tìm cách sắp xếp để
ghé thăm chị đôi ngày. Về với chị cũng là về với quãng đời ấu thơ êm ấm
ngày xưa tại quê hương yêu dấu.
*
**
Vừa bước ra khỏi cửa phi cơ, Đông đột ngột bị phủ chụp bởi một độ nóng
kinh khủng như đang bị thiêu đốt trong một lò lửa vĩ đại, khiến chàng tối tăm
mặt mũi muốn thối lui lại. Thế nhưng nhìn thiên hạ, Đông thấy ai cũng nhàn
nhã không lộ chút khẩn trương, nên đành từ từ nối gót nhau đi vào bên trong
phi trường. Đông dáo dác tìm thân nhân, thì nghe tiếng reo:
­ Cậu năm! Thưa cậu năm!
­ A! cháu Toàn! Mới hai năm không gặp mà trông cháu trưởng thành và đẹp
trai hẳn ra!
­ Dạ cám ơn cậu! Lần nầy cậu đến nhằm mùa hè nên khí hậu khá nóng phải
không cậu?
­ Nóng dễ sợ chớ khá khá cái gì! Nóng như vầy mà sao dân ở đây chịu đựng
nỗi? hay thiệt!
Thằng nhỏ cười hệch hạc đáp:
­ Cái gì cũng quen dần cậu ạ! Cậu biết không! dân ở Arizona thường tiếu rằng
"địa ngục còn mát hơn xứ nầy vài độ, nên sống được ở đây rồi, thì chẳng ai
còn sợ bị đọa xuống địa ngục cả!".
­ Ba má cháu mạnh khỏe?
­ Dạ mạnh! Ba vẫn đi làm "ca hai" nên đến hơn một giờ khuya mới về, phầnmá con tuy muốn ra phi trường đón cậu lắm nhưng lại kẹt nồi mắm chưng
đang nấu dở dang!
­ Tội nghiệp chị Hai! Cứ khổ công nấu với nướng!
­ Hì! Hì! Cậu biết tánh má con mà! Bả lo lắng cả tuần lễ, bả chuẩn bị nấu
nướng đâu vào đó từ ngày hôm qua lận, gồm toàn các món cậu ưa là bánh
canh giò heo, tôm kho tàu, mực dồn thịt, gỏi sứa... Rồi hồi trưa nầy, trong khi
đang lim dim nằm ngủ, chợt bả trổi dậy nói: "Chèn đét ơi! xém chút nữa tao
quên món mắm chưng rồi! đây là món hẩu (3) nhứt của cậu út mầy đó". Thế
rồi má con hối hả đi chợ để nấu liền cho kịp!
­ Đúng là cậu thích những món đó! nhưng cậu chỉ lưu lại hai ngày mà má
cháu nấu "ấp lẫm" như vậy, bụng dạ nào cậu chịu nỗi!
­ Hì hì! Bởi tính má con như vậy nên thích thức ăn gì thì con ra tiệm ăn, tuyệt
đối không hở môi. Nếu lỡ dại để bả biết, bả sẽ nấu đầy ấp, nấu dài dài, rồi ép
ăn trợn lên trợn xuống đến nỗi vừa thấy đã rùn mình rởn óc mà chưa chắc bả
buông tha!
­ Hề! Hề! Cháu là út mà! Má cưng út quá nên mới ngóng tìm món nào út thích
để nấu nướng cực khổ mà cung phụng út! Cháu sung sướng quá mà còn kêu
rêu gì nữa?
­ Thưa cậu! Được thương dĩ nhiên là điều sung sướng, nhưng được thương
quá mức đôi khi nó lại ngột ngạt khó thở lắm cậu ạ!
Đông cũng là con út nên rất thông cảm cháu, vỗ về:
­ Ngày xưa, ngoại cũng thương yêu lo lắng cho cậu tột độ như vậy, tình
thương của ngoại trở thành mù quáng và độc quyền, đến nỗi cậu cảm thấy tù
túng khó chịu. Đây là chuyện "nỗi lòng khó ngỏ cùng ai" phải không cháu?
Mình hở môi than thở thì bị lên án ngay là con bất hiếu, nên đành phải câm
nín. Nỗi khổ của người bị thương chưa chắc dễ thở hơn nỗi khổ của người bị
ghét cháu ạ!Câu chuyện đành bỏ dở dang khi hai cậu cháu bước ra ngoài trời đến chỗ
đậu xe, và Đông lại phải gồng mình chống đỡ độ nóng kinh khủng của vùng
sa mạc. Khi Toàn lái xe còn cách nhà mươi thước, Đông đã thấy bà chị lấp ló
bên cửa ngóng chờ mình. Càng về già chị hai càng giống mẹ. Thoáng nhìn
mái tóc bạc phơi, vẻ mặt phúc hậu, nụ cười dễ dãi của chị, Đông cảm thấy
như mẹ đang hiện hữu, chàng xúc động run giọng lên tiếng:
­ Chị hai!
Chị cũng mừng rỡ ứa nước mắt:
­ Em út!
­ Chị hai à! Chị giống má quá chừng hà! Cho chị quấn cái khăn rằn, miệng
bỏm bẻm nhai trầu, thì y chang má ngày xưa, chẳng khác tí nào!
­ Hì hì! Còn em hả! Cái trán sói, khuyết sâu hai bên như hai cái ụ tàu của em
cũng chẳng khác gì ba! Cho em vận cái áo bành tô, chống cây ba toong thì
giống hệt ông già rồi!
Chỉ đối đáp đôi câu mà cả bầu trời thương nhớ với bao nhiêu kỷ niệm ấm êm
hiện về tràn ngập tâm khảm hai chị em. Đông mường tượng như mình còn là
thằng bé con lẩn quẩn bên cha mẹ tại căn nhà ngói ven bờ rạch Cái Sơn,
chàng đang tung tăng chạy nhảy quanh gốc xoài, gốc ổi, gốc mận trong
vườn. Bất chợt, Đông bùi ngùi hỏi:
­ Sau hè nhà mình có trồng rau đắng không chị hai?
­ Vườn nhà mình chẳng có rau đắng! Ơ... mấy thuở mà má nấu thứ rau nầy,
sao em nhắc đến kìa?
­ Vậy thì em lầm rồi! mỗi lần em nghe bản nhạc "Con thương rau đắng mọc
bên hè", em lại cứ liên tưởng đến món canh rau ngọt ngọt nấu với chuối mà
má thường cho mình ăn lúc nhỏ. Lớn lên, sao má không còn nấu món nầy
nữa chị há?
­ A! đó là canh rau bú ngót! Em biết không? ở nhà quê đâu có phương tiện dựtrữ thành thử thức ăn khi thừa thải, có lúc khan hiếm chẳng có món gì, kể cả
rau cải. Trong trường hợp này, để bổ túc với món khô sặc, má ra sau hè
"quơ" mớ rau bù ngót, chế ra món canh chuối, ngọt ngọt cho con cái dễ nuốt
cơm. Về sau, thì con lộ trước nhà đã được xây đắp, chợ búc đi lại dễ dàng,
nên món canh tạm bợ nầy không còn xuất hiện nữa! Lạ quá hén! Tại sao bao
thức ăn ngon lành em không nhớ, nhè nhớ món canh quê mùa nầy?
­ Hì! Hì! Em cũng chẳng hiểu tại sao em còn ghi nhận rõ ràng hương vị đậm
đà của tô canh bù ngót, cùng với chi tiết cảnh gia đình mình quây quần ăn
bữa cơm chiều hôm đó. Có thể vì hôm đó em được món đồ chơi mới, một cái
vòng làm bằng vành nia cũ, mà chị vừa buộc sửa lại cho em. Em chan món
canh nầy lua một hơi, để tự do xách cái vòng phóng ra ngoài chơi. Em đánh
vòng chạy lanh quanh trên con đường bờ sông thiệt là vui!
­ Vui quá hén! Vui quá đến nỗi lọt tuốt xuống sông, khiến cho bà già chửi chị
một trận tơi tả về cái tội bày đầu, bày đặt...
Trong khi hai chị em đang cười khúc khích thì Toàn ăn mặc chải chuốc bước
ra phòng khách, lễ phép khoanh tay:
­ Thưa má! Thưa cậu! Con đi dự sinh nhựt bạn con!
­ Con tệ quá hà! Lâu lâu cậu mới đến chơi một lần, đáng lẽ con nên ở nhà ăn
cơm với cậu chớ?, chị hai càm ràm.
Thằng bé nhăn nhó như khỉ ăn ớt:
­ Con hứa với thằng Thanh cả tháng trước! Mà con cũng đã thưa với má hôm
quá rồi mà!
­ Thôi chị! đừng nhằn nó tội nghiệp! Nó đã hứa với bạn thì phải giữ lời, vả
chăng, ở nhà để nghe chị em mình kể chuyện đời xưa chán phèo thì chịu đời
sao cho thấu!
Thằng bé vừa bước ra khỏi cửa, thì chị hai đã than vấn thở dài:
­ Thằng đó tệ lắm! Nó chỉ biết bè bạn nó thôi, chớ chẳng nghĩ gì đến cha, đếnmẹ!
­ Chị nói sao chớ em nhận thấy thằng Toàn khá ngoan chớ!
­ Không nhắc chi chuyện xa xôi, mới ràng ràng tuần trước đây nè! Hôm đó,
nghe nó nhắc bún bò Huế, đi làm về mệt đừ, chị vẫn ráng bươn bả đi chợ,
nấu ngay món nầy cho nó. Cơm nước xong, chờ đợi mỏi mòn đến chín giờ
rưỡi tối, mới thấy nó mới dẫn thằng Thanh về nhà. Chị vừa mừng vừa giận,
xum xoe trách: "Sao con về trễ quá vậy? con đi chơi với bạn sao không cho
má hay, làm má lo lắng gần chết! Má chờ cơm đói rã ruột vậy đó!". Chỉ có vậy
mà mặt nó chù ụ, nó hậm hực trả lời: "Tụi con vào thư viện tra cứu sách vở,
chớ đi chơi hồi nào đâu? Mà con nói với má nhiều lần rồi! con đã hai mươi
bảy tuổi, đâu còn con nít nữa mà lo lắng mãi! Má đã biết rằng con phải học bù
đầu, lại còn trực nhà thương, giờ giấc bất thường, lúc nào con về thì con ăn!
Sao má cứ chờ đợi hoài, để rồi lên tiếng cằn nhằn?". Nó tệ như vậy đó em!
có mặt bạn nó mà nó lớn tiếng với chị, nó không nghĩ gì đến tình thương bao
la của người mẹ, suốt đời hi sinh tận tụy, chịu đủ điều gian khổ để chăm nom
lo lắng cho con...
­ Như vậy thì nó hư giống như cậu nó rồi! Chị hai biết không có lần em về
Cao Lãnh thăm má. Trong khi má lăng xăng nấu nướng mừng con, em ra chợ
chơi chợt nghe tin thằng Danh, bạn chí thiết của em lâm bệnh nặng. Em vội
tìm nó, được biết nó bị bệnh ung thư gan không phương cứu chữa, mạng
sống chỉ kéo dài tối đa sáu tháng. Nó rủ em ra quán cà phê rỉ rả tâm sự với
nhau lần chót. Lẽ ra, em nên nhận lời, nhưng em biết má trông ngóng ở nhà,
nên nài ép nó ăn cơm tại nhà mình. Vừa dẫn nó bước vào cửa, em chưa có
cơ hội phân trần thì má đã trách móc tùm lum, em bực bội quá nên trả lời
tương tợ như thằng Toàn vậy đó. Chuyện nầy má không nhắc với em nữa,
nhưng bả lại than thở với mấy dì, khiến em buồn phiền không ít. Thật ra,
thằng con trai nào cũng muốn chứng tỏ mình ngon lành, mình trưởng thànhđối với bạn bè. Do đó, trước mặt bạn nó, nếu mình tỏ ra cưng lo thái quái thì
thằng nhỏ đã bối rối thẹn thùng rồi, huống chi, mình còn cằn nhằn nó, thì
trách sao nó chẳng nổi cơn!
­ Ơ! thằng Thanh thì chị coi như con cháu trong nhà nên có gì phải úy kỵ!...
Ơ! nảy giờ chị em gặp nhau mừng quá quên cả việc cơm nước! Chắc em đói
lắm hả?
­ Chưa đói đâu chị!
­ Chị có làm món nầy đặc biệt cho em nè! Đố em đó!
­ Mắm chưng! Đúng không? hì! hì! thằng Toàn báo cáo trước với em rồi! em
đã thèm nhỏ dãi từ lúc ở phi trường lận! Trời đất! chị nấu gì mà tới sáu, bảy
món đầy khẳm như vậy? làm sao ăn cho nỗi? Thôi! Em chỉ xin ăn món mắm
là đủ rồi!
­ Ậy! Dĩ nhiên ưu tiên là mắm chưng nhưng em cũng phải nếm các món khác
chứ!
­ Ô! Chị hai tài quá! ở xứ nầy mà chị tìm đâu đủ thứ rau thơm, lại còn có
chuối chát và khế nữa!
­ Ừa! Thì đủ hết, nhưng so với quê mình thì vẫn còn thiết đọt lụa, đọt chiết,
đọt chùm ruột... em à!
Nghe nhắc đến chùm ruột, Đông bỗng rùng mình tưởng nhớ hình ảnh mẹ
hiền ngày xưa. Có lần bà thẩn thờ nhìn nhánh chùm ruột sai oằn, rồi lẩm
bẩm: "Má mong nhà mình giống như nhánh chùm ruột, con cháu cả đàn quấn
quít san sát bên nhau, thì hạnh phúc biết chừng nào!". Chàng ứa nước mắt
nhủ thầm: "Ước mơ thâm thiết của má vẫn ràng ràng trước mắt, mà nay má
không còn nữa, con cháu tản lạc mỗi người một nơi, phần con thì biết chừng
nào mới có thể về thăm lại mảnh đất quê nhà!". Để che dấu nỗi xúc động
dâng tràn, Đông vội vã xới cơm mời chị. Chàng gắp miếng mắm, cẩn thận
kèm theo khế, chuối chát, rau thơm. Chàng nhai chầm chậm, để cho vị mắmmặn mà trộn lẫn với khế chua, chuối chát, cùng với rau thơm the the, biến
thánh đặc chất khoái khẩu đậm đà, chan chứa cả bầu trời thương nhớ quê
hương.
Đông buộc miệng khen:
­ Chị nấu mắm chưng quá ư độc đáo! Ngon ơi là ngon!
­ Ngon như vậy đó, vậy mà con cái nó chê mới tức chớ! Chị hai chép miệng
thở dài, rồi buồn hiu tiếp tục than thở:
­ Con cái đời bây giờ không ngoan ngoãn với cha mẹ như mình ngày xưa đâu
em. Chị em thằng Toàn đều như vậy hết. Con Hồng nhan sắc mặn mòi nên có
bao chỗ xứng đáng đánh tiếng muốn làm xuôi gia với chị. Chỗ nào nó cũng
phản đối hết, để rồi đi ưng một thằng học hành chẳng hơn gì nó. Tức chết đi
được! Giờ thì tụi nó sinh sống ở Los Angeles, đâu có xa xôi gì, vậy mà năm
đầu nó còn về thăm cha mẹ, sau đó biệt dạng luôn. Thằng Tú đang làm kỹ sư
ở Phoenix cách đây một trăm dặm, tới lui gần gũi cũng tiện. Chị thấy nó giao
thiệp toàn gái Mỹ hơi lo ngại nên gạ dẫn nó đi Cali coi mắt con gái người bạn,
thì nó cười ngất chê chuyện đó kỳ quá. Tới chừng chị nghe tin nó có con bồ
gốc Mễ, chị bực quá la cho nó một trận, rồi chị lại thường xuyên tới lui khuyên
nhủ và kiểm soát nó. Ngờ đâu, nó giận, nó âm thầm xin thuyên chuyển về
hảng chánh ở Chicago, mà chẳng thèm hỏi ý kiến cha mẹ một tiếng. Còn
thằng Toàn ở nhà thì cũng như không. Nó học bù đầu suốt tuần, mà hễ có
chút giờ rảnh thì chụp cái điện thoại hò hẹn bạn bè, chẳng thèm ngó ngàng gì
tới chị. Chị cảm tưởng như chúng bỏ rơi mình, chúng khinh thường mình như
một thứ thừa thải, một kẻ dốt nát quê mùa, không xứng đáng để chúng bàn
bạc, hỏi han ý kiến. Trước kia chị còn nhắc nhở chúng những chuyện vụn vặt
như đội nón, che dù, mặc áo ấm, uống thuốc cảm..., nhưng thấy chúng chỉ
"dạ! dạ!" lấy lệ, rồi lơ là chẳng thèm nhớ nghĩ..., nên đành câm họng! Ai cũng
tưởng chị sung sướng có con cái ngoan giỏi, nhưng đâu có biết nỗi cô đơn,buồn tủi của chị đối với con cái như thế nào? Chắc chị chờ thêm một năm
nữa cho thằng Toàn lấy xong mảnh bằng bác sĩ, chị sẽ vào chùa tu phứt cho
rồi!
­ Chị hai à! sống ở xứ người thì ngay bọn người lớn cũng bị ảnh hưởng mà
thay đổi ít nhiều, huống chi là bọn trẻ. Chúng phải học hành, tiếp xúc suốt
ngày với nền văn hóa nước người, thì làm sao mình có thể đòi hỏi chúng
hoàn toàn giữ trăm phần trăm chất Việt Nam trong người cho được! Em chỉ
mong sao chúng nó còn biết dạ thưa, chào hỏi bằng tiếng mẹ đẻ là an ủi lắm
rồi!
­ Ừa! Thì đành chịu như vậy chớ biết làm sao bây giờ!
­ Thật ra dầu đám con cái của mình vẫn còn giữ nguyên chất Việt Nam, thì
chắc chắn vẫn có lắm chuyện rắc rối khác xảy ra, và bậc làm cha mẹ cũng
kêu rêu như thường. Nguyên nhân đích thực chính là quan niệm khác biệt
giữa hai thế hệ, mà mâu thuẫn nầy thì ở nước nào, thời đại nào cũng xảy ra.
Đây chính là mầm mống khổ đau không phải chỉ riêng giới cha mẹ gánh chịu,
mà đám con cái cũng lãnh đủ nữa. Nói chi xa xôi, chị em mình ngày xưa cũng
làm khổ ba má đâu có ít phải không chị?
­ Làm khổ ba má thì còn ai ngoài con ba Hạ nữa!
­ Chị Ba và em là hai đứa con tội lỗi ngập đầu, đâu đáng kể tới. Ngoan hiền
nhất như chị tư Thu mà còn có chuyện cho ba má khổ nữa kia. Chị xin xuất
gia, ba má không thuận, chị cũng vâng lời. Rồi chị lại xin thuyên chuyển về
quận nhà dạy học để săn sóc ba má lúc tuổi già. Thế nhưng mối quan tâm
lớn nhất của bậc làm cha mẹ là mong cái yên bề gia thất nên ba má cứ đôn
đáo, tìm người mai mối để ép chị lấy chồng. Chị tư không thuận, thì trách
móc, giận hờn..., khiến chị Tư cũng phiền muộn không kém...
­ Hừ! Người ta nói "ép dầu ép mỡ ai nỡ ép duyên", vụ ba má ép con Tư lấy
chồng cũng hơi quá đáng phải không út? Về phần con tư thì tánh nó cũng dịhợm quá chừng hà! Chị thấy cái đám thằng kỹ sư Danh được quá chớ, vậy
mà nó không ưng quách cho rồi, nếu được như vậy có phải nó làm cho ba má
vui lòng không?
Có lẽ hừng chí với lời phê bình đặc sắc của mình, chị gật gù đúng theo giọng
kẻ cả, trịnh trọng phán:
­ Ba đứa em còn nhỏ không gần gũi ba má và hiểu ba má nhiều như chị, nên
mới dễ làm cho ba má buồn phiền như vậy đó!
­ Bộ chị tưởng..., ơ...ơ..., chị còn nhớ những chuyện sôi nổi về việc chị đòi
uốn tóc, đòi quần áo son phấn thời trang không? À! còn cái vụ thằng con tiệm
vàng Hữu Lợi cậy mai mối xin hỏi chị mới gay cấn hấp dẫn từng hồi chớ!
Dù tuổi đã gần sáu mươi, khi nghe cậu em nhắc những chuyện bực bội xa
xưa hằng bốn mươi năm, chị hai vẫn cảm thấy nóng mặt. Chị ấm ức tuôn ra
một hơi:
­ Ông bà già mình hủ lậu hết chỗ nói! Cả nước người ta uốn tóc quăn, người
ta chưng diện theo thời trang mà ổng bả cứ chủ trương con gái nhà lành thì
phải kẹp tóc, quần đen áo trắng kín mít, may rộng thùng thình, mặt mày thì để
mét chằng chớ cầm kỵ thoa chút phấn son. Nội cái việc chị muốn mặc cái
quần trắng thôi mà cũng lắm gian nan với ổng bả rồi. Thuở đó, phong trào
mặc quần trắng mướt ôm sát thân hình thật hấp dẫn khiến chị thèm thuồng vô
cùng. Đúng lúc đó, ba cho tiền sắm một cái áo dài và cái quần mỹ a để dự
tiệc cưới con đầu lòng của chú bảy Dinh. Vải mỹ a rất mắc tiền, nhưng đi
đứng nghe sột soạt khó chịu, nên với quan niệm của con gái thời đó thì nó
quê mùa, chớ đâu hấp dẫn bằng cái quần xa teng rẻ tiền. Chị âm thầm may
quần xa teng trắng và dấu kỹ cho đến ngày đám cưới mới lòi ra. Má vừa thấy
quần đã nổi giận đùng đùng rầy la chị một trận tơi bời, rồi bả còn lấy kéo cắt
quân ra từng mảnh, nát tan như chính cõi lòng của chị.
­ Ủa! Chuyện đó sao em chẳng nghe vậy kìa?­ Khổ sở thì chị khóc thầm thôi, chớ chị đâu dám đôi co lời qua tiếng lại với
má, thì làm sao em hay biết được! Chị hiền thì ba má đối xử khắc khe như
vậy đó. Đến khi con ba Hạ ăn vận theo đợt sống mới, ổng bả giận lắm nhưng
vừa mới mở lời khuyên giải, thì nó đã nhảy dựng lên dọa bỏ nhà đi bụi đời,
ổng bả đâu dám hó hé gì nữa. Chuyện chồng con của nó cũng vậy, nó muốn
ngang nào được ngang nấy, chớ đâu bị hành hạ, "cà riềng cà tỏi" cằn nhằn tối
ngày như chị vậy! Chướng nhất là vụ thằng con chủ tiệm vàng Hữu Lợi xin
hỏi chị! Em nghĩ coi, cái thằng tướng tá tròn vo như hột mít, lại vô duyên, bất
tài... chỉ giỏi ngón nghề chạy chọt được giấy miễn dịch... vậy mà ba má khăng
khăng cho rằng nó "thọ", nó có tương lai... để rồi áp bức dày vò chị dài dài để
buộc chị ưng hắn! Ngược lại, đến khi chị và anh hai thương nhau xin tiến tới
hôn nhân, thì ổng bả ngăn cản đủ mọi cách. Ổng bả chê anh hai là người
Trung, tính nết khó lường, tiếng nói khó nghe, xuôi gia xa xôi khó thân thiết,
đời quân ngũ hiểm nghèo, không chăm sóc được vợ con... thế rồi, để làm nản
lòng anh chị, ổng bả kiếm chuyện bắt lỗi phải từng cử chỉ, từng lời nói... khiến
anh chị phải điêu đứng gian nan cả năm trời cho đến ngày cử hành hôn lễ
mới được yên thân...
­ Chị hai à! hành động nào của ba má cũng đều phát xuất từ tình thương vô
bờ đối với con cái! Em nhắc nhở chuyện xưa không phải trách móc ba má,
mà chỉ muốn chứng minh một điều là bậc làm cha mẹ, đôi khi thương yêu con
mà thiếu hiểu biết, lại vô tình gây khổ đau cho con, đồng thời cũng tự làm khổ
mình nữa. Đây là kinh nghiệm thời trẻ ai cũng đã trải qua, nhưng chẳng ai rút
tỉa được bài học nầy hết! Khi trở thành bậc cha mẹ, người ta sẽ cố chấp và
thiếu hiểu biết đối với con cái y hệt như cha mẹ họ ngày xưa! Đây là đầu giây
mối nhợ của bao bất hòa, của nỗi khổ đau xảy ra trong mọi gia đình! Chị hai
có đồng ý với em điều nầy không chị hai?
Chị hai trầm ngâm suy tư, rồi gục gặc gật đầu.Chừng như đã chán ngán bàn chuyện con cái, hai chị em đổi đề tài sang
chuyện cây xoài cây ổi, bánh phồng bánh tráng, tát đìa bắt cá... toàn là
chuyện tầm ruồng chẳng đầu chẳng đuôi, vậy mà vui vẻ tận cùng. Món mắm
chưng lại hợp khẩu nên Đông đã vui miệng nói, lại vừa vui miệng ăn "miếng
đặng miếng được" đến khi no cứng mới ngừng. Thế nhưng chị hai đâu chịu
để yên. Chị nằn nì nài ép: "em ăn thêm miếng gỏi sứa cho chị vui!", "tôm càng
kho tàu nấu y chang như má nè"! Em thử một miếng chứ!, "mực dồn thịt chị
làm cực khổ lắm nghen! Em không ăn thì phụ lòng chị đó!"... Đông nể chị, ăn
thêm món nầy đến món kia, cho đến khi thở chẳng ra hơi, mới được bà chị
buông tha. Đông có ý định chờ ông anh rể để chào mừng, nhưng chưa quen
giờ giấc miền Tây, chàng buồn ngủ híp mắt, không thể thức thêm được nữa.
Nửa đêm, cái bụng căng phồng khó chịu quá, Đông phải làm xấu, dựng chị
dậy, kêu gào mấy viên thuốc tiêu thì mới tạm yên. Sáng hôm sau thức dậy,
bữa ăn sáng thịnh soạn đã dọn đầy bàn, nhưng rất may, Đông không bị ép ăn
nữa. Chàng nhâm nhi cà phê, hàn huyên hào hứng đủ mọi đề tài vô thưởng
vô phạt với ông anh rể, cho đến giờ anh chị đưa trở ra phi trường.
Trong giờ phút chia tay quyến luyến, chị hai nắm tay em ân cần han hỏi:
­ Cái bụng em đã đỡ chưa út?
­ Đỡ nhiều rồi chị ạ!
Rồi với giọng nửa đùa nửa thật, Đông tiếp lời:
­ Chị hai thấy không? cái gì quá mức thì cũng nguy hiểm cả! Được cho ăn
quá mức thì bị trúng thực, còn được thương quá mức thì... ơ...ơ... nó cũng tù
túng ngột ngạt lắm chị hai ạ!
­ Hì! hì! té ra em chỉ giả vờ đau bụng để nhắc khéo chị điều đó phải không?
*
**
Đông trở về Houston quay cuồng kiếm sống, thỉnh thoảng chàng cũng điệnthoại vắn tắt thăm chị, nhưng những mẩu chuyện tâm tình sôi động trong
chuyến đi Tucson vừa qua, không ai buồn nhắc đến nữa. Bất ngờ, đúng ngày
Tết âm lịch, Đông lại nhận được một bức thơ dầy cộm của chị. Lo sợ có điều
bất tường. Đông hấp tấp mở ra xem:
Tucson, ngày 3 tháng 01 năm 1997
Em út thương của chị,
Lụi hụi mà chỉ còn một tuần lễ nữa thì mình lại ăn thêm một cái Tết tha
hương. Tết bên nầy sao tẻ lạnh quá út ạ! Giờ nầy năm xưa ở bên nhà, không
khí Tết rộn ràng lắm! Ba đã tỉ mỉ chọn cành mai đơm đầy bông búp chưng lên
bàn thờ, cân xứng với một cặp dưa hấu to, và bộ lư hương bằng đồng sáng
giới. Má chuẩn bị bánh mứt, trái cây từ mấy tuần trước, dự trữ thật nhiều, hầu
đến cận Tết rảnh tay nấu một nồi bánh ích và bánh tét đầy âm ấp sẵn sàng
chờ đợi đám con cháu tề tựu về tưng bừng ăn uống. Tình thương con cháu
của má thật bao la, má gian nan cực khổ thế nào cũng được, miễn là thấy
mặt đám con cháu đông đủ sum vầy quây quần trong ngôi nhà, thì bà mãn
nguyện lắm rồi.
Tánh chị có lẽ chẳng khác gì má. Bao nhiêu tâm ý chị đều đặt tất cả vào các
con: nhìn chúng ăn uống cười nói, chị hân hoan rộn rã; thấy chúng chợt đăm
chiêu, lòng chị thảng thốt bất an. Chị chỉ muốn con cái sống gần gũi trong tầm
tay của mình, vắng đứa nào chị cũng nhớ thương ủ rũ, chúng về nhà trễ thì
ruột chị quặn thắt từng cơn. Đối với chị, đám con chị là nhất, quý giá không
con cái ai sánh bằng, cho nên chị thấy có nhu cầu lo lắng bảo vệ chúng từng
li tứng tí, sợ chúng ốm đau, gặp tai nạn, sợ chúng bị bạn bè lợi dụng, sợ
chúng lầm lạc chọn người không xứng đáng gây khổ đau suốt đời... Thế
nhưng chị càng lo lắng chăm sóc chúng thì chúng lại tỏ ra bất cần, chị muốn
ôm chặt chúng trong vòng tay thì chúng càng vuột ra ngoài, than trách thìchúng tỏ vẻ bực bội tránh xa. Chị cảm thấy bị con cái bỏ rơi, chúng khinh
thường, chúng bất cần mình. Chị cô đơn quá! chị hờn tủi và khổ sở cùng cực
mà chỉ biết âm thầm chịu đựng, chớ tìm đâu được kẻ tâm giao để chia xẻ nỗi
niềm. Chị đâm ra quạu quọ rắc rối, nhưng chỉ quạu quọ rắc rối với anh hai,
chớ với chúng thì vẫn mềm mỏng để chiêu hồi.
May là trong chuyến thăm chị, em nhắc nhở chuyện ngày xưa, khiến chị lưu
tâm suy tư cặn kẽ những mâu thuẫn của hai thế hệ. Từ đó chị nhận chân
được một sự thật là: Ba má rất thương yêu con cái, nhưng thương yêu một
cách mù quáng và không hiểu biết hoặc lưu ý gì đến tuổi trẻ, vì vậy mà ba má
đã có cái nhìn cố chấp hẹp hòi, kết quả là ba má tự chuốc lấy khổ đau, mà
đồng thời lại gây phiền lụy cho con cái nữa. Đó cũng là một khuyết điểm mà
chị đã vấp phải. Chị đinh ninh rằng chỉ cần ôm "chính nghĩa thương con", thì
chẳng cần đếm xỉa điều gì khác nửa, cứ mặc tình "tự tung tự tác" muốn
thương con cách nào cũng đúng, vì vậy mới gây ra bao lủng củng trong nhà.
Do khám phá nầy, chị không còn oán trách con cái nữa, mà chỉ tự quán sát
tìm hiểu những khuyết điểm của chính mình. Trước hết, chị nghĩ đến mối bất
hòa giữa chị và đứa con gái đầu lòng. Thật ra thì thằng rể cũng hiền lành dễ
thương, nhưng theo quan niệm "phi cao đẳng bất thành phu phụ", chị cho
rằng nó không xứng đáng nên ngăn cản tình yêu của chúng rất mãnh liệt, với
thâm ý tách rời hai đứa hầu đem cháu Hồng gả cho con anh tư Thời đang
học nha khoa. ­ Hồi nhỏ chị chủ trương tiền bạc và cấp bằng không đem lại
hạnh phúc, chị chống đối ép duyên đến cùng, mà nay sao chị lại ép duyên
con kìa? ­ Ngăn cấm không kết quả, chị đành thuận cho chúng tiến hành hôn
lễ, nhưng nỗi ấm ức cứ tuôn tràn qua thái độ kém thân thiện của chị đối với
thằng rể. Có lẽ vì vậy mà chúng nó viện cớ tìm được việc làm tốt ở Los
Angeles, rồi dọn đi mất. Nó đi xa, chị nhớ chị buồn, rồi chị lại cằn nhằn oán
trách, chúng càng né tránh rồi trốn biệt luôn. Ôi! giờ nầy chị hiểu và thươngchúng nó, kể ra cũng hơi muộn màng. Kinh nghiệm vụ con Hồng, chị canh giữ
hai thằng con trai rất kỹ. Chị gợi ý cho thằng Tú đám nào, nó cũng chẳng màn
để ý, mà hễ hai anh em nó giao thiệp ai, chị lại thấy chẳng cô nào xứng đáng
cả. (Chị mới nghiệm ra điều nầy em ạ! Dường như trong máu của người đàn
bà thương con đã ngầm chứa chút tị hiềm với con dâu nên bạn gái nào của
nó mình cũng chê. Ngay nàng dâu do mình chọn rồi giới thiệu cho con, không
bao lâu mình cũng sẽ khám phá ra vô số khuyết điểm của nó.). Thời gian
ngắn ngủi sau đó, chị hốt hoảng khám phá rằng thằng Tú dính líu với một cô
gái gốc Mễ. Hôn nhân là chuyện chúng nó, chủng tộc nào tùy nó, đâu chắc gì
có vợ Việt thì hạnh phúc bền bỉ? Kể ra, ở bên nầy mà có vợ Mễ thì cũng đâu
có gì quá đáng hơn ngày xưa tại xứ Đồng Tháp quê mùa có chị nằng nặc đòi
kết hôn với người Huế, nói tiếng gì mà cả xóm Cái Sơn chẳng ai hiểu một
câu! Thế nhưng, lúc đó chị không nghĩ vậy, chị làm dữ với thằng Tú trước mặt
con nhỏ đó, hi vọng con đó bỏ thằng Tú thì tốt biết bao nhiêu. Kết cuộc, như
em biết đó, thằng Tú xin đổi lên Chicago. Từ chuyện tình duyên của con cái,
chị quán sát cả đến những chuyện lặt vặt khác và chột dạ thấy mình sao lẩm
cẩm quá chừng đi. Em nghĩ coi, thằng Toàn đã 27 tuổi, học năm chót y khoa,
mà chị lải nhải bắt nó uống thuốc nầy thuốc nọ, phải mặc áo ấm, đội nón, che
dù... lo như lo cho đứa con nít tiểu học, vậy mà nó lơ là thì chị lại hờn tủi mới
chướng đời chớ! Đến như việc việc giao tế của nó, chị thường càm ràm rằng
nó dành hết thời giờ cho bạn bè, nhưng thật ra thì nó học bạc đầu, mỗi tuần
được chừng vài giờ rảnh rỗi, liên lạc với bạn bè trang lứa kháo nhau chuyện
tầm phào cho thoải mái, mà chị đòi dành thời giờ đó cho chị, điều đó chắc hơi
quá đáng phải không em?
Càng suy tư quán sát chị càng thông cảm hiểu biết con cái, chị không còn khổ
sở, hờn giận gì nữa. Chúng nó, giống như chị ngày xưa, sẽ đến lúc trưởng
thành, rồi có cuộc đời riêng. Con chim mẹ, phải tập nhìn bầy con của mình,tung cánh bay cao, với niềm hãnh diện hân hoan, chớ không phải với tâm
trạng cô đơn hờn tủi.
Suy tư nầy vừa lóe trong tâm tư, chị liền cảm thấy niềm an lạc tràn ngập khắp
cả châu thân. Chị vừa "ngộ" em ạ! Em đừng cười chị nhé! Chị nói giỡn nhưng
không hẳn là đại ngôn đâu! Cái nguyên lý "vô thường" mà mình nghe quý
thầy giảng hoài, chị tưởng như đã nắm vững, nhưng thật ra, trước kia mình
nghe như nước đổ lá môn, mà chưa bao giờ thâm nhập. Bây giờ thì chị ý
thức rõ rệt nguyên lý vô thường như một kinh nghiệm thực tại, nó hòa nhịp
trong đời sống của mình, diễn tiến tuần tự, như nhiên và mầu nhiệm: hợp rồi
tan, tròn rồi khuyết. Có cái gì thành trụ mà chẳng đi đến giai đoạn hoại
không? Tấm thân tứ đại cũ mèm nầy, rồi cũng sẽ đến lúc tan hoại rã rời.
Em út thương,
Nguyên lý vô thường dính liền với ý niệm sống chết. Đã sanh ra đời thì ai
cũng có một lần chết. Đó là sự thật hiển nhiên, vậy mà bấy lâu nay cơ hồ chị
quên mất điều đó. Chị hành động in tuồng như chị sẽ sống dai như "Bành tổ"
để đùm bọc, lo lắng cho các con mãi mãi. Ca dao nước mình so sánh sự sinh
nở nguy hiểm như là chuyến phiêu lưu ra biển khơi cô đơn:
Người ta đi biển có đôi
Còn tôi đi biển mồ côi một mình.
Ca dao trên không đúng với trường hợp của chị, vì khi sanh ba mụn con, lần
nào chị cũng có chồng kề cận, được bác sĩ và hộ sinh chăm sóc, nên cảnh cô
đơn hiểm nghèo chưa thật sự trải qua. Thế nhưng, giờ đây câu ca dao đó
bỗng hiện về ray rứt chị, khi chị nhận thấy rằng dường như nó phản ảnh khá
trung thực tâm trạng cô đơn hoảng hốt của con người trong chuyến ra đi cuối
cùng của cuộc đời. Con người từ cõi sống bước vào cõi chết mù mịt bơ vơ,
hoang mang chẳng biết trôi dạt về đâu thì có khác nào đi biển một mình trong
đêm đen mưa gió bão bùng. Chuyến đi kinh khủng đó không có phương cáchtrốn tránh được, vậy thì chỉ có một giải pháp duy nhất là chuẩn bị sẵn sàng để
đối diện: nếu mình nắm vững phương hướng, và được hành trang bằng niềm
tin và nghị lực chắc chắn nỗi hoang mang sợ hãi sẽ giảm thiểu! phải không
út?
Anh chị đã may mắn quy y và học Phật Pháp với hòa thượng Thiện Hòa
trước năm 1975, nhưng khi sang Hoa Kỳ phải quay cuồng với nếp sống mới,
rồi chị lại "xà quần" với chuyện lo lắng, thương yêu, hờn giận con cái, mà xao
lãng chuyện tu tập. Nay giật mình tỉnh thức, nhận thấy tình trạng đã vô cùng
cấp bách, không còn chần chờ gì nữa, chị dứt khoát tu tập theo pháp môn
Niệm Phật tu tâm, cầu vãng sanh về thế giới cực lạc của Đức Phật A Di Đà.
Kinh sách hướng dẫn pháp môn tịnh độ nhiều lắm, nhưng chị thấy chỉ cần
quyển Niệm Phật Thập Yếu của thầy T. Thiện Tâm cũng đủ lắm rồi. Chị căn
cứ theo đó mà lập thời dụng biểu cẩn mật để tha thiết Niệm Phật cầu vãng
sanh. Nếu "Tín, Hạnh, Nguyện" được vững vàng, thì chuyến đi cuối cùng
mình đã rõ ràng phương hướng, đầy đủ tư lương nên không có gì phải hoang
mang bối rối nữa! phải không em!
Từ ngày khởi sự tu tập, tâm chị dần dần thoải mái. Dĩ nhiên là chị vẫn chăm
sóc và cơm nước cho hai cha con, nhưng chị không "ép ăn và ép thương" ai
nữa. Chị không đòi hỏi con cái lúc nào cũng nghĩ tới chị, chị cũng không trách
móc hờn tủi, cũng không bận bịu lo âu về những chuyện xa vời ngoài tầm tay
mình nữa. Anh hai cũng đỡ bị chị lăng nhăng cà khịa nên rất hài lòng.
Có lẽ tụi nhỏ kháo với nhau rằng độ rày chị dễ dãi, nên mùa giáng sinh vừa
qua, đám con Hồng và thằng Tú rủ nhau về cho một nhà. Chị để chúng sống
thoải mái tùy thích, không đòi hỏi ràng buộc gì cả. Chị cũng tươm tất nấu
nướng cho chúng toàn là những thức ăn đặc biệt Việt Nam, để biết đâu
chừng, một ngày xa xôi nào đó, bất chợt nhớ lại khung cảnh gia đình ngày
xưa, thì hình ảnh con tôm kho tàu, trái khổ qua dồn thịt, tô mắm chưng... ­giống như tô canh bù ngót của cậu út ­, sẽ hiện về trong tâm khảm chúng như
một kỷ niệm ngọt ngào tình thương. Chúng nó tựu về thì vui, chúng đi chị
khỏe, thời giờ tu tập đỡ bị xáo trộn.
Ờ! có chuyện nầy khá vui, sẵn dịp chị kể em nghe cười chơi. Nhân dịp có đủ
hai thằng con trai, anh dặn dò:
­ Ba má đã bàn nhau và đồng ý rằng hôn nhân của các con do các con tự
quyết định, hạnh phúc thì các con nhờ, đau khổ các con chịu. Ba má không
muốn xen vào chuyện của các con, mà chỉ muốn nhắc nhở các con một điều
là vợ chồng cùng chung một nền văn hóa, cùng chung một tôn giáo, dễ xây
dựng hạnh phúc hơn. Lúc trẻ mình không thấy tầm quan trọng của hai vấn đề
nầy, nhưng khi về già, người ta thường sống trở lại với dĩ vãng và cần nương
tựa vào một niềm tin, thì văn hóa và tôn giáo, trở thành yếu tố then chốt giữ
vững tình nghĩa mặn nồng cho chuỗi ngày già.
Chị cũng góp ý:
­ Hôn nhân là chuyện quan trọng ảnh hưởng suốt cả đời. Do đó, các con nhớ
phải cẩn thận, lựa thật kỹ kẻo mang khổ nghe các con!
Tú cười ngất đáp:
­ Má yên chí đi! Vụ nầy thì con kỹ lắm! Con phải sống chung với nhau vài
năm, biết rõ hết mọi chuyện rồi mới nghĩ đến chuyện kết hôn má ạ!
"Trời đất! Em nghe thằng Tú nói như vậy em có lùng bùng lỗ tai không út?".
Chị thấy nó chủ trương kỳ lạ muốn răn dạy nó, nhưng mình đã nguyện buông
bỏ mọi việc để rảnh rang tu tập, mà còn thắc mắc gì nữa, nên chị gượng cười
cho xong.
Em út thương,
Chị biết em đã chứng kiến và hiểu biết nỗi đau khổ của chị, nên chị viết thơ
nầy kể lể hết mọi chuyện để em được yên tâm. Bắt đầu tu tập thì cũng bắt
đầu cảm thấy an lành thư thái em ạ! Kể ra, đợi gần đến sáu mươi mới lo tuniệm là quá trễ phải không em?
Ít hàng thăm hai em và các cháu. Chúc gia đình em một năm mới an khang
thịnh vượng.
Chị hai của em,
Nguyễn Thị Xuân.
Đông xếp thơ chị lại trong niềm vui tràn ngập. Hình ảnh người chị thân
thương thấp thoáng ẩn hiện trong tâm khảm chàng. Bóng dáng người chị tuổi
lục trần đó thoạt tan biến rồi hóa thành cô gái tuổi trâm cài nhí nhảnh, đang
chăm chỉ sửa chiếc vòng làm bằng vành nia cho thằng em út. Cạnh đó, bên
bàn ăn, một tô canh bù ngót ngọt ngào vẫn còn nghi ngút khói...
Tháng 11.1996 forum rao vat

Ghi chú:
1. Thẳng; thằng ấy
2. Chệc: thổ ngữ của người Tiều Châu có nghĩa là chú, như tiếng xẩm có
nghĩa là thím. Dân miền Nam hiếu khách gọi người Tiều là "chú thím" bằng
ngôn ngữ của họ là "chệc và xẩm", có người trùng dụng là chú chệc, thím
xẩm.
3. Hẩu: hay hẩu sực là thổ ngữ người Quảng Đông có nghĩa là thức ăn ngon,
khoái khẩu.

Share

& Comment

0 nhận xét:

Post a Comment

 

Copyright © 2015 BLOG FOR YOU 24H™ is a registered trademark.

Designed by Templateism. Hosted on Blogger Platform.